Thứ bảy, Tháng mười 12, 2024
No menu items!
HomeReview Sản PhẩmĐánh giá tản nhiệt Cooler Master 620S - Sự thay thế hoàn...

Đánh giá tản nhiệt Cooler Master 620S – Sự thay thế hoàn hảo cho MA620P

Giới thiệu

TDP hay Thermal Design Power (Công suất thiết kế nhiệt) đã được các nhà sản xuất CPU đưa ra để chỉ định mức nhiệt mà một bộ vi xử lý cụ thể sẽ tỏa ra, để khách hàng có thể chọn một bộ tản nhiệt thích hợp. Đáp lại, các nhà sản xuất tản nhiệt đã bắt đầu chỉ định mức TDP mà tản nhiệt của họ hỗ trợ. Do đó, đây là một thông số rất quan trọng để người dùng lựa chọn một bộ tản nhiệt phù hợp với vi xử lý cho hệ thống đang sử dụng. Nếu lựa chọn không đúng tản nhiệt, CPU khi hoạt động sẽ rất nóng và là nguyên nhân chính gây ra mất ổn định hệ thống khi tải nặng, hoặc hiệu năng bị sụt giảm nghiêm trọng khi mức xung nhịp của CPU hoạt động không đúng thông số công bố.

 

Tuy nhiên, các thông số TDP do Intel và AMD công bố ngày càng trở nên sai lệch và không chính xác trong những thế hệ vi xử lý gần đây. Chẳng hạn như vi xử lý Intel i9 11900K được Intel công bố mức TDP là 125W, nhưng nó lại tạo ra công suất nhiệt lên tới ~ 300W. Trước đây, việc đẩy CPU vượt quá mức TDP được chỉ định của chúng thường yêu cầu người dùng điều chỉnh thủ công (ép xung), nhưng ở hiện tại nhiều CPU đã tự động vượt qua mức TDP được công bố chính thức bằng cách sử dụng các chế độ Turbo của chúng. Các cài đặt Turbo này thường được nâng cao hơn nữa bởi nhiều bo mạch chủ dòng cao cấp, vốn không thực thi các giới hạn điện năng được đề xuất từ ​​Intel và AMD theo mặc định, trừ khi chúng được người dùng giới hạn theo cách thủ công.

Do đó, việc lựa chọn một tản nhiệt phù hợp trong bối cảnh hiện tại cũng mang lại rất nhiều băn khoăn cho người dùng. Trên blog của mình đã có rất nhiều đánh giá về các loại tản nhiệt khác nhau, từ Air cho tới AIO. Trong khuôn khổ bài viết này, mình sẽ mang lại cái nhìn tổng quát nhất cho mọi người về dòng sản phẩm tản nhiệt khí mới nhất 620S đến từ Cooler Master.

Cooler Master 620S

Nếu là các tín đồ công nghệ hoặc là kĩ thuật viên của các đơn vị đại lý bán lẻ linh phụ kiện có uy tín trên toàn quốc, chắc hẳn mọi người đều không thể không biết đến tản nhiệt khí quốc dân trong phân khúc cận cao cấp, đó là Cooler Master MA620P. Đây là dòng tản nhiệt khí bán chạy nhất của Cooler Master ở thời điểm mà vi xử lý Core I9-9900K được ra mắt, với hiệu năng và giá thành tốt trong phân khúc. Tuy nhiên, MA620P đem lại một cảm giác cực kì khó chịu và gây khó dễ cho nhiều người dùng, ngay cả kĩ thuật viên giàu kinh nghiệm cũng phải than thở khi tính khả dụng về lắp đặt của dòng sản phẩm này rất phức tạp và tốn thời gian, thậm chí có nhiều người đã từng phải đổ máu vì nó.

Nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của người dùng, cũng như bổ sung cho thị trường những sản phẩm tản nhiệt khí có chất lượng cao về hiệu năng, có tính thẩm mỹ lớn nhưng khả năng lắp đặt phải cực kì dễ dàng. Cooler Master tiếp tục tung ra dòng tản nhiệt khí 620S với rất nhiều thay đổi đáng giá, bao gồm tính thẩm mỹ cao khi trang bị 2 quạt ARGB đẹp đẽ, thiết kế tháp đôi phổ biến và hiệu năng được cho là ngang ngửa với tiền nhiệm MA620P nhưng có mức giá dễ chịu hơn nhiều.

Sản phẩm 620S ngày hôm nay của mình là sản phẩm tray chưa có box, được hãng gửi cho để đánh giá. Tuy nhiên vẫn đầy đủ phụ kiện như một sản phẩm retail bán ra trên thị trường.

Cooler Master 620S hỗ trợ các nền tảng phổ biến như Intel LGA1700/1200/1151/1150/1155/ và AMD AM3/AM4/AM5, tuy nhiên không hỗ trợ cho dòng TR4/sTRX hay LGA2011/LGA2066. Phụ kiện đi kèm của sản phẩm cũng khá phong phú, nhưng nổi bật nhất bao gồm các thứ như bên dưới và chúng được đặt trong các túi riêng biệt có dán nhãn để người dùng dễ dàng phân biệt được:

  • 01 cáp chia PWM
  • 01 cáp chia A-RGB 5V
  • 04 kẹp kim loại để gắn hai quạt lên tản nhiệt
  • Giá đỡ kim loại cho bo mạch chủ Intel 
  • Giá đỡ kim loại cho bo mạch chủ AMD 
  • Bracket cho socket Intel LGA1700 
  • Keo tản nhiệt cao cấp CryoFuze
  • Hướng dẫn sử dụng và lắp đặt
  • Miếng vệ sinh keo tản

Cooler Master 620S được thiết kế theo đúng dạng tháp đôi điển hình, trong đó lá tản nhiệt được kết hợp với các ống dẫn nhiệt hình chữ U kéo dài về hai phía của mặt đế tiếp xúc với CPU. Kích thước tổng thể của tản nhiệt theo nhà sản xuất là 125 × 137x 154.9mm (LxWxH). Với chiều cao 154.9mm thì 620S dễ dàng tương thích với rất nhiều vỏ case trên thị trường, nhất là các vỏ case phổ thông giá trị thấp. 

620S được trang bị 6 ống dẫn nhiệt (Heatpipe) được gia công với chất lượng cao, đường kính 6mm kết nối với phần đế đồng CPU được đánh bóng kĩ lưỡng nhằm tiếp xúc tốt hơn với IHS CPU để nâng cao hiệu quả giải nhiệt. Hầu hết các tản nhiệt thuộc phân khúc trung và cao cấp đều sử dụng phương pháp tản nhiệt này. Các ống dẫn nhiệt và lá nhôm tản nhiệt được kết nối bằng phương pháp ép khít cơ bản với 50 lá nhôm được bố trí xếp chồng lên nhau như tòa nhà cao tầng, đây là kiểu bố trí rất cơ bản ở các dòng tản nhiệt khí. Đặc biệt hơn cả là 620S hoàn tương không cấn RAM hoặc Heatsink VRM trên Main  khi phần tản nhiệt ở phía bên dưới được cắt tỉa gọn gàng và thu hẹp khoảng 1cm so với bên trên.

620S đi kèm với hai quạt LED ARGB với đường kính 120X120X25 mm, hỗ trợ chức năng PWM và hoạt động ở tốc độ 650-1750 (+- 10% VÒNG/PHÚT), mang lại lưu lượng không khí ~71.93 CFM với độ ồn từ ~ 27.2dBA. Đây là loại quạt Rifle Bearing, khi cho khả năng hoạt động êm hơn và bền hơn nhờ quạt có khả năng tự bôi trơn tốt so với các loại quạt Sleeve Bearing. Ngoài ra ở mỗi góc của quạt được trang bị thêm miếng đệm chống rung khi hoạt động.

Cách lắp đặt sản phẩm thì cực kì dễ dàng và cơ bản như nhiều loại tản nhiệt khí cùng cấp trên thị trường, đối với newbie vui lòng đọc kĩ hướng dẫn sử dụng đi kèm để biết chi tiết cách lắp đặt. So với tiền nhiệm MA620P thì đây là tin vui lớn cho các anh em kĩ thuật, vì lắp dễ quá.

Hệ thống PC thử nghiệm và kết quả

  • Vi xử lý Intel Core I7 13600K 
  • Bo mạch chủ ASRock Z790 PG Lightning D4
  • Bộ nhớ Kingston Fury Beast 2x8GB bus 3200MHz
  • VGA Gigabyte RTX 4070 Aorus Master
  • Tản nhiệt Cooler Master 620
  • Window 11 Pro cùng một số phần mềm như CPU-Z, Cinebench R23, VRAY, Blender… Prime95
  • Nhiệt độ phòng ~29 độ, hệ thống được đặt bên ngoài trên benchtable
  • Keo tản nhiệt CryoFuze đi kèm

Kết quả giải nhiệt của tản nhiệt phụ thuộc vào rất nhiều thứ, như hệ thống đem test, cách thức test, phần mềm test, nhiệt độ môi trường, sự sai lệch của sensor đo nhiệt. Do đó, kết quả thử nghiệm của mình chỉ mang tính chất tham khảo, mỗi hệ thống khác nhau và thiết lập khác nhau sẽ có kết quả khác nhau. Trong thử nghiệm ngày hôm nay về tản nhiệt khí T620S, mình sẽ thực hiện việc Stress Test thông qua phần mềm Cinebench R23 10p Test Throttling lẫn Prime95 và chạy các ứng dụng như VRAY hoặc Blender để có thể đưa ra kết luận rõ ràng.

Ở chế độ Idle thì temp dao động khoảng 38-47 độ C, CPU Package Power ~ 32W. Với các ứng dụng như Cinebench R23, Blender thì 620S hoàn toàn vượt qua một cách dễ dàng, nhiệt độ đạt được trong quá trình hoạt động dao động min 73 độ tới 76 độ Max.

 

 

Tiến hành sử dụng phần mềm Cinebench R23 và Stress CPU bằng cách chạy 10P Test Throttling. Lúc này CPU Package của I7 13600K lúc này rơi vào ~ 183W. Kết quả nhiệt 81 độ tối đa, nhiệt Current 80 độ.

Cuối cùng, sử dụng Prime95 và giới hạn Power Limit ở 240W và chạy trong vòng hơn 10p. Kết quả nhiệt độ tối đa 94 độ C.

 

Tiến hành đo nhiệt độ bên ngoài của sản phẩm khi fulload bằng công cụ FLIR Pro One khi chạy 10P R23, nhìn chung nhiệt độ khá mát mẻ ở các cụm hoạt động bên ngoài.

Do chưa thể setup được một phòng riêng tĩnh lặng và công cụ đo độ ồn quạt, nên phần đo độ ồn xin hẹn các bạn ở các bài review tản nhiệt sau này. Tuy nhiên khi quạt hoạt động ở mức tải tối đa, cho thấy vẫn rất êm ái và vẫn có cảm giác thoải mái. Ngoài ra, sản phẩm dễ dàng đồng bộ với Polychrome RGB của ASRock để điều chỉnh các chế độ LED.

Kết luận về sản phẩm

Nhìn chung, 620S là một sản phẩm mang lại hiệu suất tốt trong phân khúc của nó khi hoàn thành đầy đủ bài kiểm tra một cách dễ dàng nhất. Với thiết kế tháp đôi 6 heatpipte, LED ARGB thẩm mỹ, biến sản phẩm này không chỉ phù hợp để mang lại hiệu suất làm việc tốt nhất mà còn thành một pháo đài tuyệt đẹp trong hệ thống PC.

Ưu điểm:

  • Hiệu suất tốt trong phân khúc
  • Không cấn RAM và Heatsink VRM
  • Tương thích với nhiều loại vỏ case trên thị trường
  • LED ARGB thẩm mỹ và sync tốt trên hệ thống thử nghiệm
  • Dễ dàng lắp đặt
  • Tặng kèm keo tản nhiệt cao cấp CryoFuze

Nhược điểm:

  • Lá nhôm tản nhiệt mỏng
  • Không hỗ trợ tản nhiệt LGA 2011/2066, sWRX WRX80…
tienpc
tienpchttps://tienpc.net
Đơn giản thôi, là ông bố của hai cô con gái xinh xắn và đáng yêu :*
RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments