Giới thiệu
Cách đây ít lâu, mình đã có Review tản nhiệt DeepCool AG400 – Dòng tản nhiệt có hiệu suất ổn trong phân khúc khi hoàn toàn cân kèo được vi xử lý Intel Core i5-12600K tải nặng nhất. Điều này đồng nghĩa với việc, tản nhiệt này hoàn toàn chạy tốt các vi xử lý như Intel Core i7 12700/12700F khi tải nặng bởi mức load CPU Package của các vi xử lý này nhìn chung chỉ tầm 150W. Mặc dù không có quá nhiều sự hấp dẫn và khác biệt so với nhiều loại tản nhiệt cùng phân khúc trên thị trường. Nhưng với việc trang bị quạt LED ARGB có thể đồng bộ với nhiều hệ thống PC, cùng với mức hiệu năng ổn định mà AG400 mang lại, các tín đồ yêu thích công nghệ hoàn toàn có thể đặt niềm tin vào dòng sản phẩm này cho các hệ thống PC trung cấp.
Ngày hôm nay, mình tiếp tục giới thiệu đến mọi người dòng sản phẩm tản nhiệt khí ở phân khúc cao cấp hơn AG400 và tiệm cận với dòng flagship của hãng, đó chính là DeepCool AG620. Dòng tản nhiệt AG620 nhìn chung là một bản “harvest” nhẹ so với phiên bản AK620. Hôm nay mình sẽ chỉ ra hiệu năng của sản phẩm và sự khác biệt của AG620 so với AK620 là như thế nào?
DeepCool AG620
Thiết kế của các dòng sản phẩm từ DeepCool là nhất quán từ cấp thấp cho tới cao cấp, khi các sản phẩm đều được đựng trong một hộp vừa vặn với tông trắng xanh làm điểm nhấn và kích thước vừa phải. Thông tin bên ngoài mặt trước nêu bật rõ hình ảnh sản phẩm, còn ở mặt sau hãng cũng đưa hết toàn bộ thông tin kĩ thuật bao gồm kích thước, thông số hoạt động của quạt, điện áp, đồng bộ hiệu ứng ánh sáng với từng loại bo mạch chủ…
Sản phẩm hỗ trợ các nền tảng phổ biến như Intel LGA1700/1200/1151/1150/1155/ 2011/2066 và AMD AM3/AM4, tuy nhiên không hỗ trợ cho dòng TR4. Phụ kiện đi kèm của sản phẩm cũng khá phong phú, nhưng nổi bật nhất bao gồm các thứ như bên dưới và chúng được đặt trong các túi riêng biệt có dán nhãn để người dùng dễ dàng phân biệt được:
- 01 giá đỡ kim loại cho bo mạch chủ Intel
- 01 giá đỡ kim loại cho bo mạch chủ AMD
- Bracket cho socket Intel LGA1700
- Ốc bắt
- Keo tản nhiệt và sách hướng dẫn
AG620 được thiết kế theo đúng dạng tháp đôi điển hình, trong đó lá tản nhiệt được kết hợp với các ống dẫn nhiệt hình chữ U kéo dài về hai phía của mặt đế tiếp xúc với CPU. Kích thước tổng của tản nhiệt theo nhà sản xuất là 129×136×157 mm (L x W x H), còn kích thước cụm heatsink là 127×110×157 mm. Với chiều cao 157mm cùng cách thiết kế đường cắt ở đáy thì AG620 dễ dàng tương thích với rất nhiều vỏ case lẫn bộ nhớ RAM trên thị trường, nhất là các vỏ case phổ thông giá trị thấp.
Nếu so so sánh với tản nhiệt AK620, fan của AG620 có một chút khác biệt như bên dưới:
- AG620 : 300~1850 vòng/phút; 67,88 CFM; 2,04 mmAq; 29,4dB(A); 1,69W
- AK620 : 500~1850 vòng/phút; 68,99 CFM; 2,19 mmAq; 28,0dB(A); 1,44W
Ngoài ra, theo DeepCool, họ chế tạo các heatpipe theo “công nghệ ống dẫn nhiệt hai chiều cân bằng”, bằng cách tối ưu hóa cấu trúc mao dẫn bên trong và bơm một lượng chất lỏng chính xác. Điều này giúp cho tản nhiệt hoạt động hiệu quả bất kể lắp đặt theo phương thẳng đứng hay nằm ngang do ống dẫn nhiệt đạt được hiệu suất tản nhiệt tốt nhất.
Cách lắp đặt sản phẩm thì cũng khá dễ dàng và cơ bản như nhiều loại tản nhiệt khí cùng cấp trên thị trường, đối với newbie vui lòng đọc kĩ hướng dẫn sử dụng đi kèm để biết chi tiết cách lắp đặt.
Hệ thống PC thử nghiệm và kết quả
- Vi xử lý Intel Core i9 13900K Auto, LLC Level 3 với Power Limit 253W
- Bo mạch chủ ASUS Z690 Prime – P
- Bộ nhớ Kingston Renegade 2x8GB bus 4600MHz @XMP 4000MHz
- Tản nhiệt DeepCool AG620
- Window 10 Pro 21H1 cùng một số phần mềm như CPU-Z, Furmark, Prime95
- Nhiệt độ phòng ~ 26 độ, hệ thống được đặt bên ngoài.
- Keo MX4
Kết quả giải nhiệt của tản nhiệt phụ thuộc vào rất nhiều thứ, như hệ thống đem test, cách thức test, phần mềm test, nhiệt độ môi trường, sự sai lệch của sensor đo nhiệt. Do đó, trong các thử nghiệm về tản nhiệt khí lẫn AIO, mình sẽ thực hiện việc Stress Test thông qua phần mềm Cinebench R23 10p Test Throttling để kết luận hiệu năng sản phẩm.
Kết quả nhiệt độ đạt mức 92 độ C ở tải 253W.
Kết luận về sản phẩm
Nhìn chung, DeepCool AG620 có hiệu suất tốt trong phân khúc khi có thể chạy tối đa tải 240W, tức là ngang với các tản nhiệt AIO tầm trung. Điều này đồng nghĩa với việc, tản nhiệt này hoàn toàn chạy tốt các vi xử lý như Intel Core i7 12700K/12900K hoặc tương đương khi tải nặng. Ngoài ra, việc trang bị quạt LED ARGB có thể đồng bộ với nhiều hệ thống PC, cùng với khả năng tương thích với nhiều hệ thống và bộ nhớ trên thị trường, các tín đồ yêu thích công nghệ hoàn toàn có thể đặt niềm tin vào dòng sản phẩm này cho các hệ thống PC trung cấp và cao cấp.
Ưu điểm:
- Hỗ trợ tốt nhất các vi xử lý ở mức TDP 240W đổ về trong điều kiện tối ưu
- Tương thích với nhiều hệ thống PC và bộ nhớ RAM
- Quạt trang bị LED ARGB
- Lắp đặt dễ dàng.
Nhược điểm:
- Hiện chưa thấy nhược điểm gì về sản phẩm.
Main z690 ud ddr4 có cân nổi 13900k không anh, nếu công việc là render và dựng hình thì nên chọn tản ag620 hay ls720?
Cân Ok em ơi, nếu tối ưu lại thì cân càng thoải mái.
LS720 là tốt nhất.