Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024
No menu items!
HomeReview Sản PhẩmĐánh giá tản nhiệt PCCooler Paladin S9 - Hiệu suất khá trong...

Đánh giá tản nhiệt PCCooler Paladin S9 – Hiệu suất khá trong phân khúc, LED ARGB thẩm mỹ

Giới thiệu

PCCooler là một thương hiệu nội địa nổi đình đám ở thị trường Trung Quốc, công ty mẹ là tập đoàn Shenzhen Fluence Technology PLC được thành lập vào năm 2005. Trụ sở chính lẫn bộ phận R & D, Marketing và bán hàng của thương hiệu này được đặt tại Thâm Quyến, trong khi đó nhà máy sản xuất đặt tại Huệ Châu với cơ sở sản xuất 120.000 mét vuông.

Trải qua 17 năm hình thành và phát triển, cho tới nay PCCooler là một trong 3 thương hiệu hàng đầu tại thị trường Trung Quốc. Mỗi năm, hãng đầu tư ít nhất 5% doanh thu của họ vào việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới. Cho đến nay, PCCooler có 361 bằng sáng chế, trong đó có 39 bằng phát minh sáng chế. Các sản phẩm của PCCooler cũng được phê duyệt các chứng nhận CE, RoHS, FCC nhằm đảm bảo chất lượng một cách tốt nhất.

Hiện dải sản phẩm của PCCooler tập trung vào các dòng tản nhiệt CPU, vỏ case, quạt tản nhiệt và PSU. Hãng đã có mặt trên 35 quốc gia và khu vực như Mỹ, Brazil, Chile, Nga, Uzbekistan, Kazakhstan, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc, Đức, Nhật Bản…

PCCooler mới giới thiệu tới giới mộ điệu công nghệ gần đây nhất về một dòng sản phẩm tản nhiệt khí mang tên Paladin S9 với hai màu sắc chủ đạo đen và trắng. Đây là dòng tản nhiệt tháp đôi với kích thước quạt 120mm cùng với nhiều tính năng đáng giá khác. Mình cũng tranh thủ đưa ra một cái nhìn trực quan nhất cho mọi người thấy rõ về dòng tản nhiệt này.

PCCooler Paladin S9

Sản phẩm được đựng trong một hộp vuông vức trông khá là đẹp với tông màu xanh trắng, mặt trước hiển thị một số thông tin cơ bản với hình ảnh sản phẩm nổi bật, mặt sau in rõ xuất xứ lẫn thông số kỹ thuật và khả năng hỗ trợ hệ thống.

 

PCCooler đã khéo léo đặt sản phẩm với phụ kiện được tách riêng ra, nhằm đảm bảo sản phẩm không bị va đập, hãng đã bọc chúng trong các miếng xốp dày màu đen. 

 

Sản phẩm hỗ trợ các nền tảng phổ biến như Intel LGA1700/1200/1151/1150/1155/ 2011/2066 và AMD AM3/AM4, tuy nhiên không hỗ trợ cho dòng TR4. Phụ kiện đi kèm của sản phẩm cũng khá phong phú, nhưng nổi bật nhất bao gồm các thứ như bên dưới và chúng được đặt trong các túi riêng biệt có dán nhãn để người dùng dễ dàng phân biệt được:

  • 01 cáp chia PWM
  • 01 cáp chia A-RGB 5V
  • 04 kẹp kim loại để gắn hai quạt lên tản nhiệt
  • 02 giá đỡ kim loại cho bo mạch chủ Intel 
  • 2 giá đỡ kim loại cho bo mạch chủ AMD 
  • Bracket cho socket Intel LGA1700 (có miếng dán giúp cố định bên dưới bo mạch chủ – phần này mình đã bóc ra)

 

 

Paladin S9 được thiết kế theo đúng dạng tháp đôi điển hình, trong đó lá tản nhiệt được kết hợp với các ống dẫn nhiệt hình chữ U kéo dài về hai phía của mặt đế tiếp xúc với CPU. Kích thước của tản nhiệt theo nhà sản xuất là 130 × 136,5 x 156mm (LxWxH). Với chiều cao 156mm thì Paladin S9 dễ dàng tương thích với rất nhiều vỏ case trên thị trường, nhất là các vỏ case phổ thông giá trị thấp. 

Paladin S9 được trang bị 6 ống dẫn nhiệt (Heatpipe) được gia công với chất lượng cao, đường kính 6mm kết nối với phần đế đồng CPU được đánh bóng kĩ lưỡng nhằm tiếp xúc tốt hơn IHS CPU để nâng cao hiệu quả giải nhiệt. Hầu hết các tản nhiệt thuộc phân khúc trung và cao cấp đều sử dụng phương pháp tản nhiệt này. Các ống dẫn nhiệt và lá nhôm tản nhiệt được kết nối bằng phương pháp ép khít cơ bản. Tổng cộng có khoảng 48 lá tản nhiệt nhôm được bố trí xếp chồng lên nhau như tòa nhà cao tầng, đây là kiểu bố trí rất cơ bản ở các dòng tản nhiệt khí. Đặc biệt hơn cả là Paladin S9 tương thích được với nhiều bộ nhớ RAM trên thị trường khi phần tản nhiệt sát với khe RAM có chiều cao phù hợp.

 

 

Mặt trên của tản nhiệt được hoàn thiện bằng một lớp vỏ nhựa cứng màu đen bạc có in dòng chữ PCCooler để nhận diện thương hiệu, phần logo này cũng có LED ARGB hiển thị khi hoạt động. Paladin S9 đi kèm với hai quạt LED ARGB với đường kính 120X120X25 mm, hỗ trợ chức năng PWM và hoạt động ở tốc độ 800-1800 + 10% VÒNG/PHÚT, mang lại lưu lượng không khí 37.8-73.6 CFM với độ ồn từ 18 ~ 28.6dBA. Đây là loại quạt FDB nổi tiếng, khi cho khả năng hoạt động êm hơn và bền hơn nhờ quạt có khả năng tự bôi trơn tốt so với các loại quạt Sleeve Bearing. Ngoài ra ở mỗi góc của quạt được trang bị thêm miếng đệm chống rung khi hoạt động.

Điểm đặc biệt cuối cùng mà chúng ta cần lưu ý trên Paladin S9, đó là ở mỗi tháp có thêm một cáp kết nối ARGB 3pin giúp cung cấp điện năng cho các đèn LED ARGB ở phía trên cùng của tản nhiệt. PCCooler nói rằng đây là công nghệ độc quyền nhưng thực tế nó là loại đầu cắm ARGB 3 pin 5V tiêu chuẩn mà thôi. Nếu không kết nối đầu cắm này vào nguồn điện thì đương nhiên phần LED phía trên sẽ không sáng.

 

Cách lắp đặt sản phẩm thì cũng khá dễ dàng và cơ bản như nhiều loại tản nhiệt khí cùng cấp trên thị trường, đối với newbie vui lòng đọc kĩ hướng dẫn sử dụng đi kèm để biết chi tiết cách lắp đặt.

Hệ thống PC thử nghiệm và kết quả

  • Vi xử lý Intel Core i7 12700K Auto, LLC Level 3 mở giới hạn PL 4096W
  • Bo mạch chủ MSI Z690 Tomahawk Wifi D4
  • Bộ nhớ Kingston Renegade 2x8GB bus 4600MHz @XMP 4000MHz
  • VGA Inno3D RTX 3080Ti X3 OC
  • Tản nhiệt PCCooler Paladin S9
  • Window 10 Pro 21H1 cùng một số phần mềm như CPU-Z, Furmark, Prime95
  • Nhiệt độ phòng ~27,5 độ, hệ thống được đặt bên ngoài.
  • Keo MX4

 

Kết quả giải nhiệt của tản nhiệt phụ thuộc vào rất nhiều thứ, như hệ thống đem test, cách thức test, phần mềm test, nhiệt độ môi trường, sự sai lệch của sensor đo nhiệt. Do đó, trong các thử nghiệm về tản nhiệt khí lẫn AIO, mình sẽ thực hiện việc Stress Test thông qua phần mềm Cinebench R23 10p Test Throttling và Prime95 trong vòng 30P để kết luận hiệu năng sản phẩm.

Với các ứng dụng như Cinebench R23, i7 12700K load chỉ khoảng 180W cho CPU Package. Đối với mức này, Paladin S9 hoàn toàn vượt qua một cách dễ dàng, nhiệt độ đạt được trong quá trình hoạt động dao động min 78 độ tới 83 độ Max.

Cuối cùng, sử dụng phần mềm Prime95 áp dụng AVX để Stress CPU lên mức cao nhất trong thời gian 30p, CPU Package của i7 12700K lúc này rơi vào ~ 200W. Kết quả nhiệt 85 độ (Current). 

 

Tiến hành đo nhiệt độ bên ngoài của sản phẩm khi fulload bằng công cụ FLIR Pro One, nhìn chung nhiệt độ khá mát mẻ ở các cụm hoạt động bên ngoài.

Do chưa thể setup được một phòng riêng tĩnh lặng để đo độ ồn của quạt, nên phần đo độ ồn xin hẹn các bạn ở các bài review tản nhiệt sau này. Tuy nhiên khi quạt hoạt động ở mức tải tối đa, độ ồn cho thấy không đáng kể và vẫn có cảm giác thoải mái. Ngoài ra, với bo mạch chủ Z690 Tomahawk Wifi D4, khi cài MSI Center và tải phần mềm Mystic Light về sử dụng, hệ thống Sync không nhận ra tản này để có thể đồng bộ LED ARGB một cách tốt nhất.

Kết luận về sản phẩm

Nhìn chung, PCCooler Paladin S9 là một sản phẩm mang lại hiệu suất khá trong phân khúc khi có thể tải nặng nhất Intel Core i7 12700K một cách đầy đủ và nhiệt độ mang lại cũng rất phù hợp với nhiều hệ thống làm việc mang tính chất bền bỉ lâu dài. Với thiết kế tháp đôi cùng với các thành phần mặt trên cũng như hai quạt đều được trang bị LED ARGB thẩm mỹ, biến sản phẩm này không chỉ phù hợp để mang lại hiệu suất làm việc tốt nhất mà còn thành một pháo đài tuyệt đẹp trong hệ thống PC.

Ưu điểm:

  • Hiệu suất ở mức khá trong phân khúc khi cân kèo i7 12700K một cách tốt nhất
  • Tương thích với nhiều bộ nhớ RAM trên thị trường
  • Tương thích với nhiều hệ thống PC
  • LED ARGB thẩm mỹ

Nhược điểm:

  • Chưa có chứng nhận tương thích với các hệ thống sync trên các bo mạch chủ nổi tiếng
  • Không sync được trên hệ thống thử nghiệm
  • Thương hiệu “mới mẻ” tại Việt Nam

Cảm ơn NPP Sao Biển và công ty An Phát để cho mượn sản phẩm lẫn hỗ trợ chụp hình để giúp tôi hoàn thành bài Review này!

 

 

 

tienpc
tienpchttps://tienpc.net
Đơn giản thôi, là ông bố của hai cô con gái xinh xắn và đáng yêu :*
RELATED ARTICLES

1 COMMENT

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments