Thứ Ba, Tháng Năm 21, 2024
No menu items!
HomeReview Sản PhẩmĐánh giá DASHFLOW 240 BASIC BLACK - Không RGB nhưng vẫn có...

Đánh giá DASHFLOW 240 BASIC BLACK – Không RGB nhưng vẫn có thứ ánh sáng của hiệu suất

Giới thiệu

TDP hay Thermal Design Power (Công suất thiết kế nhiệt) đã được các nhà sản xuất CPU đưa ra để chỉ định mức nhiệt mà một bộ vi xử lý cụ thể sẽ tỏa ra, để khách hàng có thể chọn một bộ tản nhiệt thích hợp. Đáp lại, các nhà sản xuất tản nhiệt đã bắt đầu chỉ định mức TDP mà tản nhiệt của họ hỗ trợ. Do đó, đây là một thông số rất quan trọng để người dùng lựa chọn một bộ tản nhiệt phù hợp với vi xử lý cho hệ thống đang sử dụng. Nếu lựa chọn không đúng tản nhiệt, CPU khi hoạt động sẽ rất nóng và là nguyên nhân chính gây ra mất ổn định hệ thống khi tải nặng, hoặc hiệu năng bị sụt giảm nghiêm trọng khi mức xung nhịp của CPU hoạt động không đúng thông số công bố.

Tuy nhiên, các thông số TDP do Intel và AMD công bố ngày càng trở nên sai lệch và không chính xác trong những thế hệ vi xử lý gần đây. Chẳng hạn như vi xử lý Intel i9 11900K được Intel công bố mức TDP là 125W, nhưng nó lại tạo ra công suất nhiệt lên tới ~ 300W. Trước đây, việc đẩy CPU vượt quá mức TDP được chỉ định của chúng thường yêu cầu người dùng điều chỉnh thủ công (ép xung),  nhưng ở hiện tại nhiều CPU đã tự động vượt qua mức TDP được công bố chính thức bằng cách sử dụng các chế độ Turbo của chúng. Các cài đặt Turbo này thường được nâng cao hơn nữa bởi nhiều bo mạch chủ dòng cao cấp, vốn không thực thi các giới hạn điện năng được đề xuất từ ​​Intel và AMD theo mặc định, trừ khi chúng được người dùng giới hạn theo cách thủ công.

Khi Intel giới thiệu dòng vi xử lý lai đầu tiên của mình – Alder Lake với nhiều cải tiến đáng giá về cả hiệu năng lẫn điện năng tiêu thụ. Điểm khác biệt của Intel Gen 12 so với Gen 11 và thế hệ trước nữa đó là khái niệm TDP được hãng rời bỏ mà sẽ gán trực tiếp giá trị PL1 (TDP hay Base Power) và PL2 (Max Turbo Power) và gọi nó là MTP-Maximum Turbo Power (Công suất turbo tối đa của CPU), hiệu năng lẫn điện năng tiêu thụ của vi xử lý khi áp dụng đúng mức MTP này sẽ là tốt nhất. Tuy nhiên, vấn đề tản nhiệt lại cũng là một thứ đáng để lưu tâm khi người dùng muốn huy tối đa hiệu năng trên dòng vi xử lý mới từ Intel.

ID Cooling DASHFLOW 240 BASIC BLACK

Để hỗ trợ cho các vi xử lý Intel Gen 12 hoặc Intel Gen 13 sắp tới hay các hệ thống AMD mới nhất, cũng như cải tiến lại dòng sản phẩm tản nhiệt AIO được tốt hơn; ID Cooling cũng đã nhanh chóng tung ra dòng sản phẩm tản nhiệt mới với rất nhiều cải tiến đáng giá. Sản phẩm trong bài viết ngày hôm nay là DASHFLOW 240 BASIC BLACK, được ID Cooling định hướng về khả năng hiệu suất giải nhiệt tốt trong phân khúc và cắt bớt những tính năng “rườm rà” mà nhiều người dùng có thể sẽ không cần chú ý đến.

Tiến hành bóc hộp để phân tích những thứ bên trong của DASHFLOW 240 BASIC BLACK. Nhìn chung, phụ kiện đi kèm của sản phẩm cũng rất cơ bản khi hỗ trợ đầy đủ các loại socket Intel LGA2066/2011/1700/1200/1151/1150/1155/1156 và AMD AM5/AM4 phổ biến trên thị trường, hơi đáng tiếc là không hỗ trợ hệ thống Threadripper.

DASHFLOW 240 BASIC BLACK có thể nói là dòng sản phẩm AIO được ID Cooling “harvest” một số đặc điểm so với dòng DASHFLOW 240 (RGB) trước đó, nhưng lại có điểm “Revolution” về thiết kế Pump/Fan. Dòng DASHFLOW 240 trước đó được ID Cooling tập trung vào việc xây dựng vào tính thẩm mỹ với LED RGB nổi bật hơn là hiệu suất làm mát tổng thể, còn đối với DASHFLOW 240 BASIC BLACK được tùy biến tốt hơn cho việc nâng cao hiệu suất làm việc.

Điểm đặc biệt của DASHFLOW 240 BASIC BLACK có thể kể tới việc trang bị hai quạt tản nhiệt được nâng cấp hơn so với nhiều loại quạt của các dòng AIO cùng cấp phổ biến trên thị trường. Dòng quạt trang bị trên sản phẩm là loại TF-12025-Pro với thiết kế khí động học tốt hơn, tuổi thọ cao hơn. Đặc biệt hơn cả là ở 4 phía góc của quạt này đều có một vòng đệm bên ngoài, giúp giảm thiểu tiếng ồn và độ rung khi hoạt động lẫn tăng cường được hiệu suất giải nhiệt. Đáng tiếc là quạt này không có LED RGB, do đó những tín đồ yêu thích ánh sáng lập lòe ma quái thì nên bỏ qua dòng sản phẩm này hoặc là tìm mua một loại quạt thổi Rad RGB nào đó trên thị trường để thay thế.

 

Thiết kế Pump của sản phẩm cũng được cải thiện rất nhiều khi có kích thước lớn hơn nhiều so với nhiều loại AIO khác trên thị trường, hiệu suất làm mát được đảm bảo ở mức tối đa, tăng khả năng hoạt động. Hơn nữa, phần đế đồng tiếp xúc trực tiếp với CPU cũng được thiết kế mới với bề mặt lớn phù hợp với các vi xử lý dựa trên socket LGA1700 và AMD, do đó khả năng tối ưu hóa cũng tốt hơn so với các sản phẩm thông thường. Phần phía trên Pump cũng được trang bị một chút LED sáng khi hoạt động nằm ở đường rãnh chéo khu vực trung tâm của Pump.

Phần Rad được thiết kế bởi nhiều lá nhôm chất lượng cao, khu vực cụm tản nhiệt của rad có mật độ lá dày hơn 25% so với các loại Rad 240 trên thị trường. Giúp tăng khả năng giải nhiệt một cách tốt nhất. Đầu kết nối 12v SATA cung cấp điện năng cho pump và dây trên pump chỉ có kết nối 3 pin, có vẻ như ID Cooling bỏ qua việc điều khiển điều chế độ rộng xung (PWM) và cho phép pump hoạt động ở mức tối đa liên tục???

 

Một số đặc điểm kĩ thuật nổi bật khác của DASHFLOW 240 BASIC BLACK cũng cần phải được nhắc đến đó là áp suất không khí tối đa của quạt là 2,55 mmH₂O, tốc độ hoạt động tối đa của Pump 2100±10%RPM với tiếng ồn tạo ra là 25 dB (A). Về cơ bản, là một sản phẩm ở phân khúc chủ đạo trong dòng AIO 240, DASHFLOW 240 BASIC BLACK có Pump được thiết kế với giá trị MTTF lên tới 50.000 giờ, nhìn chung là tương đương nhiều model cùng phân khúc, do đó sản phẩm có thời gian bảo hành 3 năm như các loại AIO thông thường trên thị trường. Đường ống dẫn nước linh hoạt giữa Rad và Pump được bọc nylong chất lượng cao và cũng mang màu đen.

Về khả năng lắp đặt, DASHFLOW 240 BASIC BLACK cũng tương tự như các dòng AIO trên thị trường, nhìn chung đều có cơ chế và phần cứng hỗ trợ như nhau. Đồng thời hãng cũng đã có những clip hướng dẫn người dùng chưa có kinh nghiệm, do đó khả năng lắp đặt sẽ không phải là vấn đề to tát.

Chi tiết đặc tả kĩ thuật của sản phẩm mọi người có thể tìm hiểu thêm tại đường link sau.

 

Hệ thống PC thử nghiệm

 

  • Intel Core i7-12700K (mặc định) và Core i9-12900KF setting LLC Level 3 – PL1 220W
  • Bo mạch chủ ASUS B660-A Strix vs MSI Z690 Tomahawk Wifi D4 (BIOS mở giới hạn PL tối đa)
  • Bộ nhớ RAM Kingston Hyper X Renegade 2x8GB bus 4600MHz
  • SSD Western Digital 750 500GB
  • PSU DeepCool 650W
  • Tản nhiệt DASHFLOW 240 BASIC BLACK
  • Win 10 21H1 và các phần mềm như Cinebench R23, VRAY, Blender, CPU-Z, Prime95.
  • Nhiệt độ phòng 28 độ C.
  • Hệ thống được đặt trên Benchtable
  • Keo tản nhiệt MX4

 

MTP tiêu chuẩn của Intel Core i9 12900K là PL1 = PL2 = 241W, trong khi đó giá trị mở giới hạn tối đa sẽ là PL1 = PL2 = 4.096W. Nhưng giữa hai lựa chọn giá trị này thì điểm số hiệu năng chỉ cách biệt khoảng ~ 1%, trong khi đó CPU Package chênh lệch khoảng 40W và nhiệt năng lúc này lớn do đó vi xử lý nóng hơn rất nhiều. Các bo mạch chủ thông thường của các hãng khi chạy với Core i9 12900K sẽ mở giới hạn ở PL1 = PL2 = 4.096W, riêng ASRock nhiều bo mạch chủ sẽ đáp ứng tiêu chuẩn của Intel cho MTP PL1 = PL2 = 241W. Thực tế hơn, khi ở PL1 = PL2 = 4.096W, mức CPU Package chạy Fulload AVX có thể vượt quá 280W, nếu người dùng không sử dụng một bộ tản nhiệt xịn sò, ví dụ AIO từ 280mm/360mm với chất lượng cao trở lên, nhiệt độ CPU sẽ chạm ngưỡng Tj Max 100 độ trong vòng 1-2p.

Việc điều tiết nhiệt độ sẽ xảy ra và hiệu năng của hệ thống sẽ giảm khi vi xử lý tự động giảm xung. Do đó, đối với Intel Core i9-12900K mình đã điều chỉnh giá trị PL1 = PL2 = 220W trên bo mạch chủ B660-A Strix để đảm bảo khi tải nặng giá trị PL sẽ không vượt quá mức mà tản nhiệt có thể chịu được.

Kết quả giải nhiệt của tản nhiệt phụ thuộc vào rất nhiều thứ, như hệ thống đem test, cách thức test, phần mềm test, nhiệt độ môi trường, sự sai lệch của sensor đo nhiệt. Trong trường hợp này, mình thực hiện bài test i9-12900KF trên bo mạch chủ B660-A Strix trong 15p tải Cinebench. Trong khi đó, với i7-12700K mình mở giới hạn PL thành vô hạn, điều chỉnh giá trị LLC thành Level 3 trên bo mạch chủ Z690 Tomahawk Wifi D4 và tiến hành bật XMP Profile 2 ở bus 4K.

Kết quả là mức load 220W của i9-12900KF LLC Level 3 nhiệt độ Prime95 trong 15p đạt 90 độ.

 

Còn đối với i7-12700K mở Power Limit vô hạn và LLC Level 3 trên bo mạch chủ MSI Z690 Tomahawk Wifi D4 khi chạy Prime95 trong vòng 30W, CPU Package đạt ~ 200W và nhiệt độ 85 độ C.

 

Nhiệt độ của sản phẩm khi hoạt động được đo bằng FLIR One Pro, kết quả thì như hình, mát lắm.

 

Kết luận về sản phẩm

ID Cooling đã thành công trong việc chế tạo dòng sản phẩm DASHFLOW 240 BASIC BLACK để theo đuổi hiệu suất làm việc thật sự cho người dùng bằng cách bề mặt Pump và Rad. Điều này đã mang lại cho DASHFLOW 240 BASIC BLACK khả năng hoạt động ổn định với hiệu quả giải nhiệt tốt hơn so với các dòng AIO tiền nhiệm cùng phân khúc. Ngoài ra, khả năng lắp đặt và sử dụng cũng rất dễ dàng lẫn tương thích với rất nhiều hệ thống PC trung và cao cấp.

Mặc dù vậy, khi hoạt động tải nặng, quạt của DASHFLOW 240 BASIC BLACK tỏ ra hơi ồn ào một chút, điều này sẽ gây ra sự khó chịu cho nhiều tín đồ cần tập trung làm việc ở môi trường tĩnh lặng.

Ưu điểm:

  • Thiết kế Pump với bề mặt lớn phù hợp với nhiều loại vi xử lý Intel Gen 12/13 và AMD 7000 Series sắp tới
  • Hiệu suất giải nhiệt ở mức tốt so với nhiều loại AIO cùng phân khúc trên thị trường khi có thể cân kèo ở mức 220W.
  • Có LED ở Pump

Nhược điểm:

  • Quạt hơi ồn khi tải nặng
  • Không có LED RGB ở quạt hay Pump
tienpc
tienpchttps://tienpc.net
Đơn giản thôi, là ông bố của hai cô con gái xinh xắn và đáng yêu :*
RELATED ARTICLES

1 COMMENT

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments