Thứ Bảy, Tháng Bảy 27, 2024
No menu items!
HomeReview Sản PhẩmĐánh giá Thermaltake Toughliquid Ultra 360 - Hiệu suất khá trong phân...

Đánh giá Thermaltake Toughliquid Ultra 360 – Hiệu suất khá trong phân khúc, màn hình LCD tùy biến thông tin

Giới thiệu

Khi Intel giới thiệu dòng vi xử lý lai đầu tiên của mình – Alder Lake với nhiều cải tiến đáng giá về cả hiệu năng lẫn điện năng tiêu thụ. Điểm khác biệt của Intel Gen 12 so với Gen 11 và thế hệ trước nữa đó là khái niệm TDP được hãng rời bỏ mà sẽ gán trực tiếp giá trị PL1 (TDP hay Base Power) và PL2 (Max Turbo Power) và gọi nó là MTP-Maximum Turbo Power (Công suất turbo tối đa của CPU), hiệu năng lẫn điện năng tiêu thụ của vi xử lý khi áp dụng đúng mức MTP này sẽ là tốt nhất. Tuy nhiên, vấn đề tản nhiệt lại cũng là một thứ đáng để lưu tâm khi người dùng muốn huy tối đa hiệu năng trên dòng vi xử lý mới từ Intel.

Hiện trên blog của mình cũng đã có một số bài review chi tiết về tản nhiệt khí như PC Cooler Paladin S9, hay bài viết phân tích “Tản nhiệt khí có cân kèo được Intel Core i9 12900K không?” hoặc các loại tản nhiệt AIO mới Cooler Master MasterLiquid PL360 Flux, IDCooling Dashflow 240 Basic Black… Các loại tản nhiệt kể trên đều mang lại hiệu suất tốt trong phân khúc tương ứng với nhiều loại hệ thống PC sử dụng các vi xử lý như Intel Core i7 12700K hoặc tương đương.

Ngày hôm nay mình sẽ giới thiệu cho mọi người cái nhìn tổng quan về một dòng tản nhiệt AIO có tiếng trên thị trường, sản phẩm được gọi tên Thermaltake Toughliquid Ultra 360. Đây là một trong những bộ tản nhiệt tốt nhất của Thermaltake, được thiết kế với nhiều tính năng đáng giá như trang bị màn hình LCD hiển thị các thông tin thời gian thực của hệ thống PC, có thể hiển thị hình ảnh GIF với độ phân giải 480 * 480. Ngoài ra, sản phẩm mang lại hiệu suất giải nhiệt tốt trong phân khúc khi được trang bị quạt TOUGHFAN Turbo chất lượng cao, kết hợp Rad 360mm với độ dày 27mm cùng Pump mạnh mẽ, mang lại khả năng làm mát tối đa nhưng độ ồn phát ra không đáng kể.

Với nhiều người sử dụng các loại vỏ case phân khúc chủ đạo trên thị trường chỉ hỗ trợ AIO 240 hoặc tài chính ở mức ngân sách, Toughliquid Ultra cũng có dòng 240mm để dễ dàng lựa chọn.

Thermaltake Toughliquid Ultra 360 – Bao bì & phụ kiện 

Thermaltake Toughliquid Ultra 360 có vỏ hộp được thiết kế với tông màu đen và bạc làm chủ đạo. Mặt trước của sản phẩm in đậm hình ảnh rõ ràng để người dùng nhận biết mà không cần phải mở hộp. Trong khi đó mặt sau của sản phẩm mang lại nhiều thông tin hữu ích cho người dùng, chẳng hạn thông số kĩ thuật, các tính năng chính được trang bị, hiệu suất khi so sánh với loại tản nhiệt stock… Nhìn chung, đây là thiết kế chuyên nghiệp và rõ ràng của Thermaltake để người dùng có thể nắm bắt cụ thể nhất.

 

Phụ kiện của Thermaltake Toughliquid Ultra 360 cũng đa dạng khi sản phẩm hỗ trợ các loại socket phổ biến trên thị trường, bao gồm Intel LGA 2066 / 2011-3 / 2011 /1700/1366/100/1156/1155/1151/1150 và AMD AM4 / AM3 + / AM3 / AM2 + / AM2 / FM2 / FM1. Riêng socket LGA1700 được đóng gói tặng kèm riêng từ NSX/NPP cho người dùng. Đồng thời Thermaltake cũng cung cấp các hướng dẫn chi tiết của sản phẩm để người dùng nắm bắt một cách dễ dàng. Chẳng hạn như hướng dẫn sử dụng về cách lắp đặt, cách truy cập và điều khiển màn hình LED thông qua ứng dụng “TT RGB Plus”.

 

Thermaltake Toughliquid Ultra 360 – Chi tiết sản phẩm

Phần Waterblock/Pump cho CPU cũng được thiết kế khá tối ưu với mặt trên bo tròn tương tự như nhiều loại AIO cùng cấp trên thị trường. Dễ dàng nhìn thấy ngay cụm LCD 2.1 inch bên dưới, điểm ưu của cụm LCD này đó chính là có thể xoay được 270 độ. Tốc độ hoạt động của Pump lên tới 3200 vòng / phút, với điện áp định mức 12V/0,38A.

 

Hơn nữa, phần đế đồng tiếp xúc trực tiếp với CPU cũng được thiết kế mới với bề mặt lớn phù hợp với các vi xử lý dựa trên socket LGA1700 và AMD, đặc biệt là bề mặt này cũng được đánh bóng kĩ lưỡng, do đó khả năng tối ưu hóa cũng tốt hơn so với các sản phẩm thông thường. Phần Rad được thiết kế bởi nhiều lá nhôm chất lượng cao với kích thước tổng thể 395 x 120 x 27 mm, mật độ lá dày tăng khả năng giải nhiệt một cách tốt nhất. Đáng chú ý hơn cả là hãng cũng thiết kế thêm một ống bốc nhiệt (evaporation), tăng hiệu quả giải nhiệt và hợp lý cho các modder muốn tùy biến sản phẩm theo cách riêng của họ.

Để giải nhiệt một cách tối ưu, Thermaltake Toughliquid Ultra 360 được trang bị ba quạt TT-1225 chất lượng cao, nhưng không có ARGB. Loại quạt này được thiết kế dạng Hydraulic Bearing (vòng bi thủy lực) mang lại tốc độ hoạt động lên tới 2.500 vòng / phút với lưu lượng gió 72,69 CFM (một quạt) và áp suất tĩnh 3,78mm H2O (một quạt);tức tương đương với một số loại quạt tốt nhát trên thị trường. Để giảm chấn rung khi hoạt động, các miếng cao su ở các góc nơi lắp ốc vít cũng được trang bị.

Các đặc điểm kĩ thuật nổi bật của Thermaltake Toughliquid Ultra 360 được tổng hợp:

  • Trang bị màn hình LCD hiển thị thông tin trên Waterblock và có thể tùy chỉnh
  • Mặt block kích thước phù hợp với các vi xử lý AM4/LGA1700
  • Quạt TOUGHFAN Turbo chất lượng cao
  • Pump/Rad thiết kế tốt
  • Ống bốc nhiệt thấp làm giảm sự tiêu hao của chất lỏng
  • Phần mềm TT RGB Plus tùy chỉnh và tối ưu hiệu suất

 

Hệ thống PC thử nghiệm

  • Intel Core i7-12700K @4,9GHz setting LLC Level 3 – Voltage 1,27
  • Bo mạch chủ MSI Z690 Tomahawk Wifi D4 (BIOS chỉ định PL1 = PL2 = 241W )
  • Bộ nhớ RAM Kingston Hyper X Renegade 2x8GB bus 4600MHz
  • SSD Western Digital 750 500GB
  • PSU DeepCool 650W
  • Tản nhiệt Thermaltake Toughliquid Ultra 360
  • Win 10 21H1 và các phần mềm như Cinebench R23, VRAY, Blender, CPU-Z, Prime95.
  • Nhiệt độ phòng 26,5 độ C.
  • Hệ thống được đặt trên Benchtable
  • Keo tản nhiệt MX4

 

MTP tiêu chuẩn của Intel Core i9 12900K là PL1 = PL2 = 241W, trong khi đó giá trị mở giới hạn tối đa sẽ là PL1 = PL2 = 4.096W. Nhưng giữa hai lựa chọn giá trị này thì điểm số hiệu năng chỉ cách biệt khoảng ~ 1%, trong khi đó CPU Package chênh lệch khoảng 40W và nhiệt năng lúc này lớn do đó vi xử lý nóng hơn rất nhiều. Các bo mạch chủ thông thường của các hãng khi chạy với Core i9 12900K sẽ mở giới hạn ở PL1 = PL2 = 4.096W, riêng ASRock nhiều bo mạch chủ sẽ đáp ứng tiêu chuẩn của Intel cho MTP PL1 = PL2 = 241W. Thực tế hơn, khi ở PL1 = PL2 = 4.096W, mức CPU Package chạy Fulload AVX có thể vượt quá 280W, nếu người dùng không sử dụng một bộ tản nhiệt xịn sò, ví dụ AIO từ 280mm/360mm với chất lượng cao trở lên, nhiệt độ CPU sẽ chạm ngưỡng Tj Max 100 độ trong vòng 1-2p. Việc điều tiết nhiệt độ sẽ xảy ra và hiệu năng của hệ thống sẽ giảm khi vi xử lý tự động giảm xung. Do đó, đối với Intel Core i9-12700K mình đã điều chỉnh giá trị PL1 = PL2 = 241W trên bo mạch  để đảm bảo khi tải nặng giá trị PL sẽ không vượt quá mức mà tản nhiệt có thể chịu được.

Kết quả giải nhiệt của tản nhiệt phụ thuộc vào rất nhiều thứ, như hệ thống đem test, cách thức test, phần mềm test, nhiệt độ môi trường, sự sai lệch của sensor đo nhiệt. Trong trường hợp này, mình thực hiện bài test i7-12700K ép xung 4,9GHz mức voltage 1,27 LLC Level 3 và cho chạy Cinebench R23 để lấy điểm số đạt được. Sau đó tiến hành chạy Prime95 trong 30p nhằm có thể thấy rõ được hiệu năng thực tế của sản phẩm.

Khi chạy Cinebench R23, kết quả đạt được là khả quan, với điểm số hơn 23K pts và nhiệt độ đạt được chỉ 73 độ C khi CPU Package load 180W (max).

 

Tiến hành chạy Prime95 trong vòng 30W, CPU Package đạt ~ 235W và nhiệt độ 87 độ C.

 

Sử dụng phần mềm TT RGB Plus để điều chỉnh các thông tin, thông số như xung nhịp, mức tải, nhiệt độ… trên màn hình hiển thị LCD. Kết quả cũng rất khả quan và nuột nà, mọi thứ trơn tru. Do không có thời gian để kiểm nghiệm hình ảnh GIF nên mình xin nhường phần này cho các bạn mua về thử nghiệm. Nếu tắt app đi, màn hình LCD sẽ không hiển thị chính xác các thông số khi tải, do đó người dùng cần phải để app chạy ngầm liên tục. Do chưa thể setup được một phòng riêng tĩnh lặng để đo độ ồn của quạt, nên phần đo độ ồn xin hẹn các bạn ở các bài review tản nhiệt sau này. Tuy nhiên khi quạt hoạt động ở mức tải tối đa, độ ồn cho thấy không đáng kể và vẫn có cảm giác thoải mái.

 

Tiến hành đo nhiệt độ hoạt động bên ngoài bằng công cụ FLIR One Pro khi tải nặng ở 235W, kết quả trông cũng thật mỹ mãn. Nhiệt độ khu vực VRM trên Main nóng nhất cũng chỉ khoảng 65 độ, trong khi đó các khu vực hoạt động của tản nhiệt thì rất mát mẻ.

 

Kết luận về sản phẩm

Thermaltake Toughliquid Ultra 360 thực sự là một tản nhiệt được thiết kế có phần mạnh mẽ và đầy nam tính, dành cho người dùng yêu thích hiệu năng và khả năng theo dõi thông tin thời gian thực với màn hình LCD hiển thị, kèm vào đó là phần mềm TT RGB Plus để điều khiển và tùy chỉnh thông tin theo dõi. Sản phẩm khi hoạt động tải nặng tạo ra lưu lượng gió khá lớn nhưng độ ồn thật sự phát ra không đáng kể.

Ưu điểm:

  • Hiệu suất khá trong phân khúc tản AIO cao cấp, cân kèo các vi xử có TDP 241W
  • Màn hình LCD hiển thị thông tin trong thời gian thực rất trực quan và xoay 270 độ
  • Quạt “êm” khi tải nặng
  • Dễ dàng lắp đặt
  • Phần mềm TT RGB Plus tùy chỉnh thông tin và dễ sử dụng

Nhược điểm:

  • Quạt không được trang bị LED ARGB
tienpc
tienpchttps://tienpc.net
Đơn giản thôi, là ông bố của hai cô con gái xinh xắn và đáng yêu :*
RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments