Giới thiệu
Sharkoon là một thương hiệu được thành lập vào 2003 với trụ sở đặt tại Pohlheim, Đức. Mục tiêu ban đầu của Sharkoon là phát triển các sản phẩm gaming gear dựa trên triết lý hiệu năng và giá thành. Sau gần 20 năm tạo dựng và phát triển, Sharkoon cũng đã nhận được nhiều giải thưởng từ báo chí thương mại quốc tế trong đó luôn nhấn mạnh hiệu suất và chất lượng của các sản phẩm. Ở hiện tại, dải sản phẩm của Sharkoon cũng khá đa dạng, từ Gaming Gear, vỏ Case máy tính, bộ nguồn… và đã có mặt ở 44 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trước đây, tại thị trường Việt Nam, Sharkoon từng nổi đình nổi đám với mẫu chuột Drakonia sử dụng cảm biến Avago 9500 cao cấp nhưng có giá thành phù hợp. Hiện tại, Sharkoon được phân phối bởi Công ty TNHH Máy tính Nguyễn Công.
Trong bài viết ngày hôm nay mình sẽ đánh giá dòng sản phẩm SHP 700W Bronze và đưa ra một cái nhìn toàn cảnh cho mọi người nhằm lựa chọn sản phẩm nguồn máy tính phù hợp.
Sharkoon SHP 700W Bronze
Dòng bộ nguồn SHP Series được Sharkoon giới thiệu vào 2020 dựa theo tiêu chuẩn ATX 2.32 với chứng nhận 80 PLUS Bronze với ba model có mức công suất 500W, 600W và 700W, thích hợp cho những tín đồ công nghệ mới bắt đầu xây dựng một hệ thống PC ở phân khúc chủ đạo với chi phí bỏ ra phù hợp mà hiệu năng mang lại tốt nhất.
Sharkoon SHP 700W Bronze được thiết kế với vỏ hộp chắc chắn, tông màu đen trắng nổi bật. Thông tin bên ngoài thể hiện rõ hình ảnh sản phẩm, mức công suất, hiệu suất đạt chứng nhận 80 Plus Bronze, Single Rail, A.PFC cùng các thông tin hữu ích khác.
Sharkoon SHP 700W Bronze được trang bị hệ thống cable 100% là loại dẹt (Flat) thời thượng với hầu hết các loại dây theo tiêu chuẩn 18 AWG. Hệ thống cable bao gồm:
- 01 đầu cấp 20+4 pin cho Mainboard (01 cable tròn)
- 02 đầu cấp 4+4 pin ATX12V cho CPU (01 cable)
- 04 đầu cấp 6+2 pin PCIe (02 cable)
- 06 đầu cấp SATA và 03 Molex
- Và một dây nguồn tiêu chuẩn + dây rút + sách hướng dẫn
Công suất danh định 700W, đường 12V cung cấp lên tới 636W, Active PFC Full Range với dải điện áp hoạt động 100 ~240VAC, 80 Plus Bronze.
Chi tiết linh kiện bên trong Sharkoon SHP 700W Bronze
Sharkoon SHP 700W Bronze được thiết kế dựa theo Dual Forward truyền thống và không có VRM (DC to DC) như một số PSU cùng phân khúc trên thị trường. Về cơ bản, bộ nguồn hoạt động ổn định sẽ được đo bằng công suất thực hay công suất hiệu dụng, trong khi đó công suất Peak là công suất đỉnh hay công suất cực đại. Điều này áp dụng cho bộ nguồn hay nhiều thiết bị điện tử khác trên hệ thống máy tính, trong đó có VGA. Tuy nhiên, đối với các VGA hiện tại, NSX chỉ đưa ra thông tin về TBP hay TGP được đo bởi nhà sản xuất card đồ họa AMD / NVIDIA mà không nêu bật được vấn đề Peak của mỗi loại VGA đó. VGA ở hiện tại có mức Peak khá cao, ví dụ như RTX 3070Ti là ~ 25A nhưng công suất Peak lên tới 38A. Hoặc RTX 3080Ti chỉ có ~ 26A nhưng Peak ~ 44A, hay như RTX 3090Ti có mức hiệu dụng chỉ ~ 38,5A nhưng Peak đạt tới ~ 53A trên phép đo game God of War. Đặc biệt là trong quá trình hoạt động, Current Spikes và Transient nó dao động liên tục và khoảng cách giữa các mức này khá lớn.
Ngoài ra, công suất peak có khoảng cách từ 1 đến 10 ms có thể dẫn đến hệ thống buộc phải shutdown trong các bộ nguồn được trang bị tính năng OPP, OCP nếu bộ nguồn không tải nổi. Đó là lý do các PSU tiên tiến ở hiện tại hầu hết “buộc” phải trang bị công nghệ DC to DC lẫn trang các công nghệ phụ trợ khác để hỗ trợ tốt hơn. Việc không hỗ trợ DC to DC trên dòng Sharkoon SHP 700W Bronze cũng không phải là vấn đề kĩ thuật to tát gì, bởi rất nhiều dòng sản phẩm trên thị trường được đánh giá ổn định vẫn không hề có DC to DC trong phân khúc. Tuy nhiên, sẽ làm các tín đồ khó tính nhất không thoải mái, mà thôi.
Một bộ nguồn tốt là một bộ nguồn phải có transient filtering, vì thành phần này thường bị cắt giảm ở những bộ nguồn giá rẻ hoặc noname. Thành phần chính của transient filtering là MOV hoặc biến trở. Nhiệm vụ chính của MOV và biến trở là tạm ngắt điện khi dòng điện quá cao. Sharkoon SHP 700W Bronze vẫn được trang bị MOV cùng các tầng lọc EMI, các tụ dập nhiễu tại Jack cắm AC cũng đều hiện diện. Như hình minh họa, hãng đã đính kèm các tụ điện Y và X trên Jack cắm AC.
Khá ngạc nhiên khi chất lượng lọc điện áp DC của Sharkoon SHP 700W Bronze cho phần đầu vào công suất PFC được đảm bảo bằng một con tụ lọc chính Nichicon (400V, 470uF, 2,000h @ 105°C). Nichicon hiện tại là thương hiệu tụ nằm trong Tier 1, thường được sử dụng ở các PSU trung và cao cấp. Với một PSU có công suất danh định 700W thì việc trang bị tụ lọc có dung lượng lọc như thế này nhằm đảm bảo đáp ứng Hold Up Time theo tiêu chuẩn ATX từ Intel.
Tạo ra nguồn DC cấp cho phần công suất PWM thông qua một diode cầu chỉnh lưu GBU1006 (600V, 10A @ 100°C) được đính lên một phiến tản nhiệt nhôm nhằm giải nhiệt hiệu quả nhất. Mức hoạt động của diode cầu này thỏa mãn cho mức công suất 700W của sản phẩm. Dòng DC sau diode này sẽ được tụ chính Nichicon ở trên lọc lại. Nhiệt điện trở NTC cũng được trang bị và nằm cạnh cuộn cảm chính của tầng A.PFC.
Là một PSU A.PFC Full Range (hoạt động ở dải điện áp rộng từ 88 VAC ~ 264 VAC) nên Sharkoon SHP 700W Bronze được trang bị ở tầng A.PFC một cặp MOSFET IPW50R190CE (550V, 63A, 25°) với boost diode BYC10X-600P (600V, 10A) và được điều khiển bởi bộ điều khiển Champion CM6800UX. Tầng PWM cũng được sử dụng một cặp IPW50R190CE (550V, 63A, 25°).
Biến áp chính sử dụng loại ERL35, hơi khiêm tốn so với mức công suất của sản phẩm, bởi thực tế các bộ nguồn có công suất 600W trở lên thường sử dụng biến áp ERL39. Đường +5VSB được điều khiển bởi bộ điều khiển Sanken A6069H.
Khu vực nắn dòng +12V đầu ra của sản phẩm được trang bị 04 Diode Schottky PFC PFR40V60CT (40A – 60V) nâng tổng công suất cấp cho đường 12V của PSU lên tới 160A, vượt xa mức công suất danh định của sản phẩm. Đường 5V và 3.3V trang bị lần lượt các diode Schottky MBR30L45C1 (30A – 45A) và P30L45PT (30A – 45V).
IC Supervisor Sitronix ST9S429-PG14 cung cấp cấp các chế độ bảo vệ bao gồm OVP, UVP, OCP và SCP. Công bằng mà nói, thật khó có thể đòi hỏi thêm chế độ bảo vệ OTP ở những sản phẩm trong phân khúc giá như này.
Quạt làm mát của Sharkoon SHP 700W Bronze sử dụng loại PY-1225M12S đường kính 120mm (12V, 0.26A). Điểm đặc biệt là máng nhựa giúp hướng luồng không khí đi từ trong ra ngoài được đính thẳng vào quạt, tối ưu việc làm mát cho các linh kiện nằm ở góc khuất trong PSU.
Cuối cùng, Sharkoon SHP 700W Bronze sử dụng nhiều tụ lọc ở khu vực thứ cấp đến từ thương hiệu Teapo và JunFu với các mức điện dung khác nhau. Teapo là tụ nằm ở Tier 2 cho nên việc sử dụng loại tụ này ở phần thứ cấp cũng sẽ mang lại ưu điểm cho sản phẩm.
Hệ thống PC thử nghiệm và kết quả
- Vi xử lý Intel Core I7 13700K @PL 253W.
- Bo mạch chủ ASRock Z790 PG Lightning/D4
- Bộ nhớ Kingston Fury Beast RGB 2x8GB bus 3200MHz
- VGA Gigabyte RTX 4070 Aorus Master
- Tản nhiệt Cooler Master 360L Core RGB
- Window 11 Pro cùng một số phần mềm như CPU-Z, Furmark, Prime95
- Nhiệt độ phòng ~28,5 độ, hệ thống được đặt bên ngoài.
Tất nhiên để kiểm nghiệm hiệu năng của một PSU một cách chính xác, cần tới một hệ thống tải giả cao cấp và đắt tiền lẫn các kĩ sư giàu kinh nghiệm. Ở Việt Nam, hiện có F14Testlab là nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố để đánh giá một PSU tốt nhất và chuyên nghiệp nhất. Trong khuôn khổ bài viết này, mình chỉ có thể đánh giá sản phẩm thông qua việc test fulload một hệ thống ăn điện, và đo đường 12V thông qua công cụ đo điện DMM nhằm đưa ra cái nhìn ban đầu và trực quan.
Kết quả khi ở chế độ Idle, voltage 12V báo 12,05V và Kill A Watt dao động ~ 62W tới 130W tùy tải vào thời điểm.
Tiến hành cho chạy Furmark ở chế độ 2K/MSAA 8X và Prime95 để vắt kiệt hệ thống trong vòng 1 tiếng. Kill A Watt lúc này báo ~ 582W điện AC và Voltage lúc này chỉ 11.99V, một con số cực kì an toàn và tỉ lệ dao động của đường 12V khi Idle và Fulload là rất nhỏ ~ 0.5%.
Tiến hành đo nhiệt độ của bộ nguồn khi hoạt động tải nặng bằng công cụ FLIR One Pro, kết quả khu vực nóng nhất ~ 81 độ.
Kết luận về sản phẩm
Sharkoon SHP 700W Bronze cũng đã thể hiện một màu sắc tươi mới và rõ nét về mặt hiệu năng trong phân khúc của nó. Mặc dù còn có một số thiếu xót đáng kể nhưng SHP 700W Bronze là một sản phẩm được đánh giá ổn định so với nhiều dòng sản phẩm cùng phân khúc. Nhìn chung, SHP 700W Bronze thích hợp với các cấu hình tầm trung sử dụng VGA có mức độ tiêu thụ điện năng từ 250W đổ về.
Ưu điểm:
- Chất lượng xây dựng tốt
- Tụ chính Nichicon (Tier 1)
- Hiệu quả hoạt động tốt
- Hiệu suất đạt chứng nhận Bronze
- A.PFC Full Range
- 4 đầu cấp 6+2 pin PCIe
Nhược điểm:
- Không có DC to DC
- Cable 24 pin vẫn là cable tròn
- Quạt hơi ồn khi tải nặng