Giới thiệu
Có lẽ mọi người đã quen với khái niệm OEM hoặc ODM và cảm thấy sự hiện diện của các sản phẩm OEM hay ODM là điều rất bình thường trong nhiều sản phẩm đời sống hay tiêu dùng. Nhắc lại một chút, “OEM” là viết tắt của cụm từ Original Equipment Manufacturer – Nhà sản xuất phụ tùng gốc là một công ty sản xuất các bộ phận và thiết bị có thể được bán bởi nhà sản xuất khác. Trong khi đó, ODM – Original Design Manufacturing là khái niệm để chỉ các công ty, công xưởng đảm nhiệm việc thiết kế, xây dựng các sản phẩm theo yêu cầu.
Rất nhiều thương hiệu trên thị trường hiện tại về cơ bản không thể tự sản xuất hết toàn bộ các sản phẩm mà họ đang bày bán, bởi nó liên quan tới rất nhiều khâu từ nghiên cứu và phát triển, sản xuất, đóng gói…Do đó, việc mua các bộ phận từ các nhà sản xuất khác rồi về lắp ráp và đóng gói hoặc thậm chí là giao toàn bộ quy trình đó cho một bên thứ ba là điều thường thấy ở nhiều hãng sản xuất.
Thị trường lưu trữ cũng vậy, rất nhiều thương hiệu đình đám trên thị trường hiện tại không thể tự sản xuất được toàn bộ linh kiện cấu thành sản phẩm mà họ bán ra. Ví dụ Kingston, ADATA, CFD…Hiện chỉ có các công ty sau là có thể tự sản xuất Controller, NAND, DRAM Cache mà không hề phụ thuộc vào các bên khác, bao gồm:
- Samsung (Tạo ra được Controller, NAND, DRAM)
- Micron (Tạo ra được Controller, NAND, DRAM)
- SK Hynix (Tạo ra được Controller, NAND, DRAM)
- Western Digital (Tạo ra được Controller và NAND Flash)
- Kioxia (Toshiba) (Tạo ra được NAND Flash)
Samsung, Micron và SK Hynix là ba công ty duy nhất có thể tạo ra các dòng sản phẩm In House khi hoàn toàn tự chủ được các linh kiện cấu thành nên một chiếc SSD. Tại thị trường Việt Nam, có rất nhiều đơn vị tự OEM / ODM các sản phẩm thông qua các bên thứ ba và một trong số đó là Công Ty Cổ Phần Công Nghệ và Phân Phối SSTC (Shark Solution Technology) với các dòng sản phẩm chủ lực như SSD, Tản nhiệt AIO, Laptop, Màn hình máy tính…Đây cũng là đơn vị đối tác phân phối của nhiều thương hiệu lớn trên thế giới như Zotac, ECS, NVIDIA.
Mình cũng tranh thủ mượn được một chiếc SSD SSTC HummerHead E21 512GB NVMe Gen 4×4 đã qua sử dụng để đánh giá về hiệu năng sản phẩm nhằm đưa ra một cái nhìn trực quan cho mọi người biết rõ.
SSD SSTC HummerHead E21 512GB NVMe Gen 4×4
Về cấu tạo bên trong, dòng HummerHead E21 nói riêng và HummerHead Series nói chung có định dạng M.2 2280, giao thức NVMe 1.4, với các IC nhớ chỉ một mặt PCB. Nhãn dán ở mặt sau của sản phẩm cho thấy rõ các thông tin cần thiết như dung lượng bộ nhớ, đặc tính kĩ thuật cơ bản Gen 4×4, mã SKU và QR Code để bảo hành sản phẩm.
Mặt trên của sản phẩm là nơi xuất hiện IC Controller cùng với các module NAND Flash cùng một PMIC. Controller sử dụng ở dòng sản phẩm này là Phison PS5021-E21, đây là bộ điều khiển PCI-Express 4.0 được giới thiệu vào năm ngoái của Phison dựa trên tiến trình TMSC 12nm. Về mặt kĩ thuật, controller này hỗ trợ bốn kênh NAND flash TLC và QLC NAND, tuy nhiên không có DRAM Cache, hỗ trợ giao thức NVMe 1.4.
NAND Flash được sử dụng ở dòng sản phẩm HummerHead E21 có mã TA7BG95AYV. Đây là NAND BiCS5 TLC 112 Layer được sản xuất bởi Kioxia (Toshiba). Ngoài ra chúng ta cũng sẽ thấy một mạch chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ năng lượng PMIC với tên mã PS6108-4S nằm cạnh controller chính. Khả năng cao là Phison mua lại IC của một số nhà sản xuất khác rồi đem về rename lên.
Thông tin chi tiết về đặc tả kĩ thuật lẫn hiệu năng của sản phẩm được SSTC công bố trên trang chủ với tốc độ đọc ghi tuần tự là 5000MB/s và 3500MB/s.
Hệ thống thử nghiệm
- Vi xử lý Intel Core I7-13700KF
- Bo mạch chủ NZXT Z790 Black với BIOS 2.06
- Bộ nhớ Kingston Fury Beast RGB 2x16GB bus 5600MHz DDR5
- SSD Kingmax 256GB
- Tản nhiệt NZXT X73 Black
- VGA Colorful RTX 3050 Ultra White
- PSU Segotep GM850W 80 Plus Gold
- Window 10 Pro 21H1 cùng một số phần mềm như CPU-Z, TxBench, CDM, Anvil’s Storage, Disk Info
- Nhiệt độ phòng ~26 độ C, hệ thống được đặt trên Benchtable.
- Keo Cooler Master CRYOFUZE
Kết quả thử nghiệm
Các hệ thống khác nhau với thiết lập khác nhau đều có thể tạo ra kết quả khác nhau. Đo đó, kết quả chỉ mang tính tham khảo ở mỗi hệ thống mà không thể áp dụng chung cho nhau. Kết quả về cơ bản cho thấy con số công bố của SSTC là hoàn toàn chính xác khi ở chế độ fill 0% đều cho ra điểm số cao và mỹ mãn, từ đọc ghi tuần tự cho tới đọc ghi 4K ngẫu nhiên rất cao ở các phần mềm benchmark phổ biến.
Một SSD tốt là một SSD khi hoạt động khi cài Win hoặc khi ở dung lượng fill > 75% không bị tụt giảm tốc độ, hiệu năng vẫn được đảm bảo. Do đó mình đã thử lấp đầy dữ liệu của ổ ở dung lượng fill > 75% và tiến hành kiểm thử. Kết quả là tốc độ của ổ không hề bị suy giảm, chứng tỏ hiệu năng đảm bảo và độ ổn định vẫn rất tốt.
Tiến hành copy dữ liệu thực tế với file Rar nén hỗn hợp khoảng 31GB, kết quả là tốc độ copy rất tốt khi đạt mức ~ 2,7GB/s. Tuy nhiên, nếu copy hỗn hợp các file với số lượng nhiều và dung lượng cao, lúc này SSD tốc độ tụt giảm khá sâu, thậm chí xuống dưới 100MB/s. Điều này lý giải một phần do SLC Cache bị hết, một phần do thiết kế NAND TLC và thiết kế thiếu DRAM Cache.
Các ổ đĩa NVMe Gen 4 nói chung khi hoạt động đều tỏa ra nhiệt lượng lớn, nếu không có các biện pháp giải nhiệt đi kèm thì ổ đĩa sẽ rất nóng và sẽ xảy ra hiện tượng điều tiết nhiệt (Thermal Throttling) khiến cho hiệu năng hoạt động bị sụt giảm nhiều. Khi không có heatsink giải nhiệt, SSD trong bài viết khi chạy Crytal Disk Mark 1 vòng bench nhiệt độ lên tới ~ 82 độ, mặc dù hiệu năng vẫn đạt được tốt nhưng mức nhiệt này nếu kéo dài và cao hơn sẽ khiển cho hoạt động của SSD kém ổn định hơn và hiệu năng bắt đầu tụt giảm.
Khi có Heatsink giải nhiệt thì nhiệt độ của SSD giảm đi khá nhiều, đạt mức ~ 44 độ C mà thôi.
Kết luận về sản phẩm
SSD SSTC HummerHead 512GB NVMe Gen 4×4 là ổ đĩa đáng được đề xuất cho những tín đồ công nghệ ăn chắc mặc bền vì hiệu suất của nó đạt được rất tốt so với mức giá mà người dùng phải bỏ ra trong phân khúc. Nhược điểm lớn nhất của sản phẩm có lẽ nằm ở câu chuyện nó là sản phẩm OEM, cho nên người dùng có thể sẽ băn khoăn vì độ tin cậy và tính bền bỉ lâu dài sẽ cần phải được kiểm chứng.
Ưu điểm:
- Tốc độ đọc ghi tuần tự tốt
- Tốc độ đọc ghi 4K tốt
- Tốc độ ghi pSLC Cache (Sustained) hợp lý
- Giá tốt
Nhược điểm:
- Không có phần mềm quản lý
- Độ bền và ổn định cần được kiểm chứng