Giới thiệu
Ở phân khúc 650W tầm trung với mức hiệu suất đạt tiêu chuẩn 80 Plus Bronze trên thị trường có hằng hà sa số các mã PSU đến từ nhiều thương hiệu khác nhau. Tuy nhiên, ngoài những dòng PSU như Cooler Master 650W MWE V2 đã chứng minh được chất lượng và độ hiệu quả, chúng ta cũng thấy nổi lên các ứng cử viên mới và sáng giá hơn trong phân khúc này.
Hai trong số đó như title đã nói lên tất cả, ASUS TUF GAMING 650W và MSI MAG A650BN là hai nhân tố mới nổi ở phân khúc PSU 650W Bronze với nhiều điểm nhấn đáng giá. Bản thân MSI hay ASUS cũng đều nhận ra được hệ sinh thái của họ cần có những sản phẩm chất lượng và phổ cập đến những đối tượng tầm trung nhiều hơn, đó là lý do mà vì sao trong 2021 hai loại PSU kể trên lại xuất hiện.
Trong ngày hôm nay, mình sẽ phân tích và so găng giữa hai bộ nguồn này để mọi người có cái nhìn rõ nét hơn. Tất nhiên vẫn như mọi khi, đó là sử dụng một hệ thống ăn điện, dùng Kill A Watt và DMM để đánh giá như những bài review PSU khác mình có nhấn mạnh.
ASUS TUF GAMING 650W
PSU dòng TUF GAMING được ASUS giới thiệu và bày bán ở phân khúc trung cấp, với dải sản phẩm trải dài ở các mức công suất 450W / 550W / 650W / 750W. Tuy nhiên, hiện tại nhiều đơn vị bán lẻ trên toàn quốc chủ yếu bán lẻ hai dòng TUF GAMING 550W/650W Bronze, vì ở những dòng này phù hợp với đại đa số người dùng.
Theo ASUS quảng cáo, dòng PSU TUF GAMING được chế tạo dựa trên các yếu tố sau:
- Thành phần linh kiện đạt chuẩn cấp quân sự.
- Hệ thống tản nhiệt mạnh mẽ.
- Tụ điện và cuộn cảm chất lượng cao, thử nghiệm ở nhiệt độ khắc nghiệt nhất nhằm đáp ứng các thông số kĩ thuật chuẩn quân đội.
- Quạt tản nhiệt Axial với thiết kế ổ trục bi kép mang lại tuổi thọ cao hơn các loại quạt khác, tăng tuổi thọ tổng thể của sản phẩm.
- Áp dụng công nghệ 0dB giúp hoạt động tĩnh lặng trong nhiều điều kiện sử dụng.
Trên thực tế, việc ASUS quảng cáo như vậy cũng có phần chính xác, bởi TUF Gaming đúng là được chế tạo với nhiều ưu điểm trong phân khúc của nó. Hãy cùng mình điểm qua ở bên dưới bằng việc phân tích chi tiết:
Được OEM bởi Greatwall (Vạn Lý Trường Thành), một hãng chuyên OEM các sản phẩm chất lượng cao cho nhiều thương hiệu tên tuổi như lớn trên thế giới. Mặc dù chỉ là sản phẩm được chứng nhận 80Plus Bronze nhưng TUF GAMING là dòng bộ nguồn được thiết kế dựa trên mạch H-bridge LLC topology + Chỉnh lưu đồng bộ + DC-DC được sử dụng trong hầu hết các bộ nguồn 80Plus Gold trở lên.
Phụ kiện đựng trong hộp sẽ có một giấy chứng nhận về độ tin cậy của bộ nguồn khi nó đã vượt qua một số bài kiểm tra, bao gồm kiểm tra sốc nhiệt độ, kiểm tra độ ẩm, kiểm tra phun muối, kiểm tra khả năng hàn, kiểm tra rung, kiểm tra sốc cơ học…
Quạt giải nhiệt của TUF GAMING là loại Champion CF1325H12D, DC12V 0.6A, đường kính 135mm. PCB được phủ một lớp sơn bảo vệ giúp bộ nguồn không bị chập mạch do ẩm, bụi, oxi hóa…
Khu vực mạch lọc EMI đầy đủ với 2 tầng lọc chính, các thành phần bảo vệ như cầu chì, MOV và NTC đều được trang bị. Tụ chính là loại của TEAPO mắc song song với điện dung 220μF / 450V / 105 ℃ mỗi con, nâng tổng mức điện dung cấp là 440μF. Phần tụ thứ cấp cũng sử dụng loại Teapo là chính, xen lẫn với một vài loại tụ đến từ thương hiệu Lelon. Bộ điều khiển PFC và LLC là sự kết hợp giữa IC CM6500UNX và CM6901X, đây là các IC phổ biến trong các bộ nguồn cao cấp.
Diode cầu chỉnh lưu được đính kèm trên Heatsink tản nhiệt, tùy loại công suất mà sử dụng cầu chỉnh lưu khác nhau. Như phiên bản 650W, ASUS sử dụng diode cầu chỉnh lưu GBU15K (800V / 15A @ 100 ℃).
Đường +12V được thiết kế chỉnh lưu đồng bộ cho chất lượng cao với 4 con Mosfet STP100N6F760V/75A@100℃. Mạch DC to DC được thiết kế trên một module riêng, sau các diode nắn điện +12VDC. Module có tính nặng hạ điện áp từ +12VDC xuống hai mức điện áp thấp hơn là +3.3V và 5V, đồng thời đóng vai trò ổn áp cho các đường điện này. Các PSU mới hiện tại thường được trang bị mạch DC to DC này.
Nhìn chung, TUF Gaming là một bộ nguồn có thiết kế chất lượng, thời gian bảo hành 1 đổi 1 mới 100% trong 6 năm thực sự ưu việt hơn so với các bộ nguồn cạnh tranh cùng phân khúc.
MSI MAG A650BN
Với việc gia nhập thị trường sản xuất các bộ nguồn cho hệ thống PC với dòng sản phẩm MPG GF Series mới nhất vào cuối 2020, MSI đã bổ sung thêm những sản phẩm chất lượng vào hệ sinh thái PC của họ. Dòng sản phẩm MPG GF Series ban đầu khi được giới thiệu có ba mẫu chính bao gồm: A650GF, A750GF và A850GF. Như tên gọi của các model, chúng có công suất lần lượt là 650W, 750W và 850W. Tiếp nối các thành công của dòng MPG GF Series, MSI tiếp tục giới thiệu các mã PSU MAG BN ở phân khúc thấp hơn với hai model chính là MAG A550BN và A650BN, hướng đến hệ thống chơi game hoặc làm việc tầm trung.
MSI MAG A650BN được đựng trong một hộp vừa vặn với tông màu đen trắng làm điểm nhấn, so với TUF 650W thì A650BN có kích thước vỏ khá khiêm tốn. Ở mặt trước được MSI thiết kế hình ảnh của chính thiết bị, mức công suất và hiệu suất đạt chứng nhận 80 Plus Bronze.
Ở mặt sau của hộp, MSI đã đưa hết toàn bộ thông tin kĩ thuật của sản phẩm, bao gồm kích thước, chiều dài cable, số lượng đầu nối cho mỗi cable để người dùng có thể biết rõ một cách chi tiết.
Phụ kiện đi kèm sản phẩm bao gồm sách hướng dẫn sử dụng, tờ in ghi các thông tin quan trọng về vấn đề an toàn, lời mời tham gia câu lạc bộ MSI (chương trình phần thưởng), dây nguồn và ốc bắt. Mặt lưới tản nhiệt được làm theo hình bát giác theo dạng tản nhiệt cổ điển với logo hình Rồng của nhà sản xuất nằm ở chính giữa.
Không như TUF 650W, MSI A650BN lại được nhà sản xuất trang bị khiêm tốn số lượng dây cable và cách thiết kế dây cable chỉ có một đầu 24 pin cho bo mạch chủ là được bọc lưới, còn lại đều là các dây trần như nhiều PSU phổ thông khác.
Khác biệt của MSI MAG A650BN so với TUF Gaming 650W đó chính là đơn vị gia công và cách thiết kế Platform. Channel Well (CWT) là đơn vị gia công cho dòng sản phẩm MAG lần này, với thiết kế Dual Forward truyền thống + VRM (DC to DC). Tức so với TUF Gaming 650W thì rõ ràng MSI A650BN có phần thua kém về thiết kế nền tảng.
MSI A650BN được trang bị bộ lọc EMI đầu vào, không chỉ nằm trên bo mạch mà còn nằm ở đầu nối nguồn. Tổng cộng ở khu vực này MSI A650B được trang bị 4 tụ điện Y, hai tụ điện X, hai Choke và một MOV.
Chất lượng lọc điện áp DC cho phần đầu vào công suất PFC của MSI MAG A650BN được đảm bảo bằng một con tụ lọc Cheng Xvới điện dung mỗi tụ là 390 uF /400V rated 105 độ. Nếu các bạn để ý, trong phiên bản MSI MAG A550BN được F14Testlab review trước đó không lâu, MSI đã sử dụng tụ Capxon cho thành phần chính. Có lẽ do thiếu hụt nguồn cung tụ hoặc nhằm giảm giá thành mà MSI đã sử dụng ChengX thay cho Capxon, vì rõ ràng Capxon vẫn có chất lượng tốt hơn so với ChengX, đặc biệt là Capxon hiện đã nằm trong Tier 3 của tụ.
Diode cầu chỉnh lưu của MSI MAG A650BN sử dụng GBU1006 được đính lên phiến tản nhiệt nhằm giải nhiệt hiệu quả nhất, diode cầu này có mức hoạt động 600V, 10A @ 100°C. Là một PSU có A.PFC Full Range nên MSI MAG A650BN sử dụng một cặp GP18S50G (500V, 18A) kèm vào đó là boost diode FFSP0665A (650V, 6A). Tầng PWM sử dụng một cặp SLF20N50A (500V, 20A) với IC điều khiển Champion CM6800XT phổ biến trong các bộ nguồn Dual Forward.
Mạch DC to DC được thiết kế trên một module riêng, sau các diode nắn điện +12VDC. Module có tính nặng hạ điện áp từ +12VDC xuống hai mức điện áp thấp hơn là +3.3V và 5V, đồng thời đóng vai trò ổn áp cho các đường điện này. . IC điều khiển được MSI sử dụng loại IC UP3861P cùng với các mosfet QM3054M6 (30V,97A). Khu vực mạch cấp trước 5VSB sử dụng IC điều khiển TNY287PG. Khu vực nắn dòng +12V đầu ra của MSI A650BN được trang bị Diode Schottky PFR30L60CT(30V, 60A) được làm mát bằng các tấm tản nhiệt màu bạc bên cạnh biến áp chính.
IC Supervisor của MSI A650B có sự hiện diện của IN1S429I-DCG đảm bảo các chế độ bảo vệ đầy đủ cho một bộ nguồn tầm trung bao gồm: OCP, OVP, SCP, OPP, OTP.
Hệ thống PC thử nghiệm
- Vi xử lý Intel Core i9 12900K (PL 210W)
- Bo mạch chủ ASUS B660-G Strix Gaming Wifi D5
- Bộ nhớ Corsair Vengeance 5200MHz 2x16GB
- SSD ADATA SX6000NP 256GB và Kioxia Exceria Pro 1TB
- VGA Inno3D RTX 3080Ti X3
- Tản nhiệt THERMALTAKE TOUGHLIQUID ULTRA 360 2 quạt (vì một quạt bóc ra hư mẹ nó luôn) + kem tản nhiệt MX4
- PSU Silverstone ET750 / MSI A650BN
- Window 10 Pro 21H1 cùng một số phần mềm như CPU-Z, Cinbench R23, HWMonitor, Blender, VRAY…
- Nhiệt độ phòng 30 độ, hệ thống được đặt trên Benchtable.
Thực tế sử dụng thì với các bộ nguồn TUF Gaming, mức công suất sử dụng của hệ thống đạt được trên 200W thì quạt mới bắt đầu quay, tức là tương ứng 30% công suất. Với các hệ thống văn phòng, gaming phổ thông mà không ăn quá mức này thì đương nhiên quạt nó không quay là điều hoàn toàn bình thường. Kết quả khi chạy ở chế độ không tải khi vào Windows, Kill A Watt báo điện AC của TUF 650W chỉ dao động từ 60W tới 150W tùy tải, voltage đường 12V fix cứng 12.02V. Trong khi đó, MSI A650BN cũng tương tự nhưng voltage fix cứng 12,12V.
Khi load hệ thống lên mức cao nhất bằng việc sử dụng Prime95 Small FFT và Furmark ở Full HD/MSAA 8X nhằm vắt kiệt hệ thống trong vòng 1h30p, Kill A Watt báo điện AC ~ 690W tới 715W tùy tải cho TUF 650W, Voltage đường 12V fix cứng 12.03, một mức V rất an toàn. Trong khi đó, MSI A650BN có lúc điện AC báo 744W nhưng đường 12V không hề suy chuyển, vẫn nằm ở mức 12,12V. Nếu xét mức hiệu suất của PSU là 90% thì khi này mức điện DC nhận được là sát với mức công suất danh định 650W của hai bộ nguồn. Tuy nhiên, TUF 650W tỏ ra chiếm ưu thế hơn một chút, nhất là quá trình tải nặng bộ nguồn hoạt động cho thấy độ ồn thấp hơn so với MSI A650BN.
Nhiệt độ khi tải nặng của bộ nguồn được đo bằng công cụ đo nhiệt FLIR One cho thấy, ở khu vực nóng nhất ~ 68 độ với nhiệt độ môi trường 30 độ C cho cả hai bộ nguồn. Lưu ý là phép đo sẽ có sự chênh lệch, nên nhiệt độ này chỉ là ở mức tham khảo nha.
Kết luận về sản phẩm
Cả hai bộ nguồn đều xuất sắc vượt qua thử nghiệm ngày hôm nay với kết quả tốt, đường 12V thực sự tốt khi tải nặng ở mức ~ công suất danh định trên nhãn. Điều này cho thấy, đây là những PSU công suất thực với chất lượng được đảm bảo cho các hệ thống tầm trung.
ASUS TUF 650W là một bộ nguồn chất lượng, với nhiều ưu điểm lớn khi có thiết kế dựa trên mạch H-bridge LLC topology + Chỉnh lưu đồng bộ + VRM (DC-DC) được sử dụng trong hầu hết các bộ nguồn 80 Plus Gold trở lên, nhược điểm của sản phẩm có lẽ nằm ở chỗ thiết kế dây cable không phải là loại dẹt thường thấy trên các PSU tầm trung.
Trong khi đó, MSI A650BN cũng tỏ ra thật sự xuất sắc dù chỉ có thiết kế Dual Forward truyền thống + VRM (DC-DC), chất lượng điện áp của đường 12V khi tải rất tốt. Nhưng nhược điểm của sản phẩm cũng nằm ở dây cable, thứ nhất là số lượng dây cable cho PCIe hay CPU ít, thứ hai là không được thiết kế dây cable dẹt hoặc được bọc lưới và chiều dài dây cũng khiêm tốn hơn.
Giá cả của hai sản phẩm cũng chênh lệch không quá nhiều, nếu các bạn đang sử dụng các VGA ăn điện với yêu cầu 3 đầu cấp PCIe trở lên, cộng với việc thêm đầu cấp EPS 12V 4+4 pin nhằm giảm tải và tăng khả năng ép xung CPU và thời gian bảo hành lâu hơn thì lựa chọn ASUS TUF 650W là tốt nhất. Còn lại, sử dụng MSI A650BN là một lựa chọn hợp lý hơn và tiết kiệm tiền hơn nhưng vẫn đảm bảo độ ổn định của hệ thống.
Thử nghiệm này chỉ là một phép thử nhỏ trong các phép thử về bộ nguồn, về cơ bản mang tính tham khảo để mọi người có cái nhìn tổng quát khi lựa chọn một bộ nguồn chất lượng. Trên hết, đánh giá tốt nhất về một bộ nguồn vẫn làm thử nghiệm tải giả với nhiều phép đo khắt khe khác nhau, mà điều này chỉ có ở những testlab được đầu tư lớn.
Còn tuf 650w có sợ bị quá nhiệt ko ad nhỉ? Em thấy nó nóng mà chả thấy quay gì cả
Thử nghiệm này chỉ là để tải rất nặng nhằm xem hiệu quả của nguồn đến đâu, bản thân các bộ nguồn trên cũng đều có ưu thế về chất lượng trong phân khúc. Quạt nó sẽ quay khi ăn khoảng gần 200W, nên yên tâm là thoải mái.