Thứ sáu, Tháng chín 20, 2024
No menu items!
HomeReview Sản PhẩmĐánh giá ASRock B660M PG Riptide - Vị vua mới ở phân...

Đánh giá ASRock B660M PG Riptide – Vị vua mới ở phân khúc chủ đạo

Giới thiệu

Mùa hè đỏ lửa của 6 năm trước, ASRock đã phả thêm hơi nóng vào cuộc đua các bo mạch chủ ở phân khúc chủ đạo, khi giới thiệu dòng sản phẩm Hyper đình đám với khả năng ép xung non K bá đạo. Kết quả là doanh số của dòng ASRock Hyper khi đó bán rất chạy, người dùng thích thú với việc bỏ ra giá tiền A mà mua được sản phẩm với giá trị A+. Nhưng cuộc vui thì cũng chóng tàn, ASRock Hyper rồi cũng trở thành dĩ vãng khi công nghệ phát triển hơn, vi xử lý có xung nhịp cao hơn, nhiều nhân hơn ra đời.

Cuộc sống cứ thế lặng lẽ trôi đi, cho tới khi Intel Gen 12 ra đời, ngoài hiệu năng mạnh mẽ và một mức giá hợp lý, Intel lại “ngầm” tạo ra một cú hích lớn khi cho phép ép xung các vi xử lý non K trên một số dòng bo mạch chủ Z690 và B660. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất của việc này, đó chính là giá cả của các bo mạch chủ có thể ép xung được vi xử lý non K lại rất cao, đồng thời buộc phải sử dụng DDR5 vốn rất đắt đỏ.

ASRock một lần nữa lại xuất hiện như một cứu tinh cho những người dùng trung thành với các giá trị hiệu năng và giá thành lẫn ưa thích vọc vạch. Khi họ chính thức giới thiệu dòng bo mạch chủ B660M- PG Riptide thuộc phân khúc chủ đạo, với rất nhiều cải tiến đáng giá, đặc biệt hơn cả là khả năng hỗ trợ ép xung vi xử lý Intel Gen 12 non K và hỗ trợ DDR4 phổ biến với mức giá hợp lý.

Ép xung non K về cơ bản, đó là cấy thêm vào Mainboard một con chip tạo xung bên ngoài (External Clock Generator) để vượt qua những hạn chế về ép xung mà Intel đã đặt trên nền vi xử lý Skylake ngày trước hay Alder Lake ở bây giờ. Có thể hiểu chức năng của con chip tạo xung mà ASRock hay các NSX bo mạch chủ khác đặt trên các Mainboard của họ sẽ phá hỏng cơ chế không cho phép OC CPU non K từ phía Intel, tất nhiên BIOS vẫn phải cho phép. Chưa kể, tính năng này sẽ cho phép người dùng tăng xung nhịp của bộ vi xử lý trong từng bước với mỗi lần là 0,0625 MHz vượt qua giới hạn thiết lập là 1MHz như của Intel.

Trước khi ASRock B660M-PG Riptide ra đời, chỉ có những dòng bo mạch chủ được kể tên như sau mới có khả năng ép xung non K, bao gồm: ASUS ROG MAXIMUS Z690 EXTREME / Formula / Hero / Apex, ASUS ROG STRIX B660 G / F GAMING WIFI, Gigabyte Z690 Aorus Tachyon, MSI Z690I Unify / Unify-X và ASRock Z690 Aqua OC và Z690 Taichi Razer Edition. Tuy nhiên, giá cả của những bo mạch chủ này rất đắt đỏ.

Hãy cùng mình đi sâu vào phân tích bo mạch chủ ASRock B660M- PG Riptide để thấy những giá trị mà người dùng được lợi gì từ bo mạch chủ này nhé!

ASRock B660M- PG Riptide

Riptide là cái tên mà ASRock đặt theo một loại dòng nước cụ thể có sóng mạnh xảy ra trong đại dương. Riptide không rõ ràng, nhưng mạnh, nhanh và mang một cú đấm mạnh mẽ; đây là triết lý thiết kế của dòng bo mạch chủ ASRock PG Riptide. Phân cấp sản phẩm của Riptide cũng rất rõ ràng, nằm trên so với Pro4 và dưới Steel Legend.

Có thể thấy vỏ hộp và tông màu của dòng Riptide đã được ASRock thiết kế lại với tông xanh đen chủ đạo, nhìn nhẹ nhàng nhưng mang đậm tính triết lý sóng sánh của sản phẩm.. Mặt sau thể hiện các tính năng nổi bật của dòng sản phẩm này.

ASRock B660M- PG Riptide được thiết kế theo Form Factor mATX, với tông màu đen xanh chủ đạo. Tản nhiệt hợp kim nhôm lớn cho VRM và PCH – XXL Aluminum Alloy,có hiệu quả lấy đi sức nóng từ các mosfet và chipset để toàn bộ hệ thống được hoạt động ổn định hơn trong thời gian dài khi hoạt động tối đa sức mạnh. PCB với hoạt tiết hoa văn dạng sóng nước được in chìm đặc trưng cho sản phẩm.

Mạch VRM mạnh mẽ trong phân khúc

Bên dưới là ảnh chi tiết mạch VRM của ASRock B660M- PG Riptide, nhìn qua thấy rõ so với dòng Phantom Gaming 4 hay Pro RS thì đã có sự cải tiến rất mạnh mẽ. Đi sâu vào chi tiết phân tích chúng ta có những thứ như sau:

  • IC PWM sử dụng Richtek RT3628AE ở chế độ 7+1 phase, áp dụng Doubler nên có thiết kế lúc này là 14+1+1 phase.
  • Mosfet trở kháng thấp ở mỗi phase cho CPU vCore và VCCGT bao gồm 1x SinoPower SM4508NH (30V, 48A) đóng vai trò High Side và 1x SM4503MH (30V, 83A) đóng vai trò Low Side. Ngoài ra như đã nói, còn có một IC Doubler được trang bị ở mỗi phase.
  • IC AUX PWM là Anpec APW8828. Bản thân VCCAUX chịu trách nhiệm cấp nguồn/điều khiển cho bộ điều khiển bộ nhớ của CPU và Bộ điều khiển PCIe.
  • PCB 6 layer 2 oz.
  • Đầu cấp nguồn EPS 12V 8+4 pin.

Ngoài ra, ASRock đã sử dụng IC tạo xung BCLK IDT6V4 1801BN nhằm giúp cho bo mạch chủ có thể ép xung BCLK. Có vẻ ASRock có truyền thống sử dụng các bộ tạo xung nhịp IDT, vì dòng Hyper trước đây cũng sử dụng loại này. Trong khi đó, MSI sắp cho ra mắt phiên bản Mortar Wifi mới có thể ép xung non K nhưng sử dụng IC tạo xung nhịp Renesas RC26008.

Thiết kế mạch VRM này sẽ giúp cho B660M- PG Riptide có thể chạy ổn các vi xử lý như i5 12700K, i7 12700F / 12700 hoặc các vi xử lý có mức load CPU Package theo lý thuyết sẽ từ 200W đổ về. Chi tiết hơn thì sẽ nằm ở phần đánh giá hiệu năng bên dưới phần này.

Hỗ trợ khe PCIe 4.0 và SSD PCIe 4.0 tốc độ cao

ASRock B660M- PG Riptide trang bị một khe PCIe 4.0 được gia cố bằng thép với các đặc điểm kĩ thuật sau:
✔ Thêm điểm neo
✔ Chốt chắc chắn hơn
✔ Đảm bảo tín hiệu ổn định
✔ Đảm bảo lắp đặt tốt các cạc đồ họa nặng.

Bo mạch chủ B660 sử dụng chipset mới nên đồng thời hỗ trợ cho các ổ SSD NVMe M.2 PCIe Gen 4 với hiệu suất và tốc độc cao nhưng có kích thước lớn hơn, bao gồm định dạng 2230/2242/2260/2280 phổ biến. ASRock cung cấp 02 cổng Hyper M.2 key M, trong đó cổng vị trí 01 có thể cắm các SSD mới nhất theo chuẩn PCIe 4.0 cho tốc độ truyền dữ liệu lên đến 64Gb/, đồng thời trang bị heatsink giải nhiệt cho cổng này. Cổng còn lại ngoài hỗ trợ ổ cắm SSD PCIe 4.0 còn hỗ trợ thêm các ổ cứng chuẩn SATA3 6.0 Gb / s.

Ngoài ra, ASRock cũng trang bị thêm một khe M.2 Wifi ở phía dưới cạnh slot PCIe giúp người dùng có thể cắm các module Wi-Fi chuẩn M.2 2230.

LED RGB của bo mạch chủ được trang bị phía sau phía dưới bên phải của PCB, khi hoạt động thì cụm LED RGB sẽ sáng lên. Cụm âm thanh sử dụng Realtek ALC897 vốn được sử dụng nhiều ở các bo mạch chủ dòng Z vài năm trước. Tuy nhiên, ASRock cũng cung cấp phần mềm Nahimic Audio để người dùng có thể trải nghiệm được âm thanh sống động và trực quan một cách tốt nhất trong phân khúc. Ngoài ra, ASRock còn trang bị một đầu cắm RGB thông thường (12V) trên bo mạch và ba đầu cắm ARGB (5V) có thể định địa chỉ cho phép kết nối bo mạch chủ với các thiết bị LED tương thích như dải LED, quạt CPU, tản nhiệt… Người dùng cũng có thể đồng bộ hóa các thiết bị LED RGB trên các phụ kiện được chứng nhận Polychrome RGB Sync để tạo hiệu ứng ánh sáng độc đáo của riêng họ.

Hỗ trợ bộ nhớ DDR4 với xung nhịp cao

Mặc dù là dòng bo mạch chủ ở phân khúc chủ đạo, nhưng ASRock vẫn ưu ái cho B660M- PG Riptide khả năng hỗ trợ hỗ trợ DDR4 dual channel với dung lượng tối đa 128GB, xung nhịp cũng hỗ trợ rất cao lên tới DDR4 5333MHz+(OC). Đáng tiếc là ASRock không trang bị nút Clear CMOS để giúp cho quá trình ép xung hay kiểm nghiệm phần cứng được thuận lợi hơn cho các tay chơi ép xung khi quá trình thiết lập gặp trục trặc.

I/O được gắn sẵn, LAN 2.5Gbps mạnh mẽ

Điểm nhấn đáng kể của ASRock B660M- PG Riptide đó là được hãng trang bị sẵn I/O (chặn Main) dính liền trên bo mạch chủ, điều này giúp cho người dùng khỏi lăn tăn trong vấn đề tháo lắp và bảo quản chặn Main. Bởi rất nhiều người đã phải liên hệ đại diện NPP sản phẩm là SPC để xin chặn Main vì lỡ làm mất. Ngoài ra, ASRock trang bị cho bo mạch chủ mạng LAN 2,5Gb / s (Dragon RTL8125BG) nhằm mang lại hiệu suất mạng tối đa cho các yêu cầu khắt khe từ người dùng gia đình, người tạo nội dung, game thủ livestream…

Phần I / O bao gồm:

  • 2 x Antenna Mounting Points
  • 1 x PS/2 Mouse/Keyboard Combo
  • 1 x HDMI
  • 1 x DisplayPort 1.4
  • 4 x USB 3.2 Gen1 (ASMedia ASM1074 hub) (Hỗ trợ chế độ bảo vệ ESD )
  • 4 x USB 2.0 (Hỗ trợ chế độ bảo vệ ESD )
  • 1 x RJ-45 LAN với LED (ACT/LINK LED và SPEED LED)
  • HD Audio Jacks: Line in / Front Speaker / Microphone

Bộ công cụ ASRock Live Update & APP SHOP

Cuối cùng, ASRock cung cấp bộ tiện ích để giúp người dùng có thể dễ dàng cài đặt driver lẫn tinh chỉnh hệ thống thông qua công cụ độc quyền ASRock Live Update & APP SHOP. Người dùng có thể dễ dàng cài đặt driver và cập nhật BIOS chỉ bằng một vài thao tác, rất nhanh và dứt khoát.

Ngoài ra, ASRock cũng cung cấp tiện ích Phantom Gaming Tuning giúp giám sát và tinh chỉnh hệ thống lẫn phần mềm điều chỉnh hiệu ứng ánh sáng đồng bộ Polychrome.

BIOS trực quan

BIOS của B660M- PG Riptide nói riêng và của các sản phẩm ASRock nói chung, ở màn hình truy cập lần đầu sẽ hiển thị một màn hình đồ họa được gọi là Easy Mode, trông rất giản dị và nhẹ nhàng, cung cấp một số thông tin cơ bản và trực quan cho người dùng. Nếu muốn tìm hiểu sâu hơn, lúc này cần bấm phím F6 để chuyển nhanh sang chế độ Advanced Mode với nhiều lựa chọn cài đặt và tinh chỉnh. Nếu muốn hiển thị chế độ Advanced Mode từ đầu sau lần khởi động tiếp theo, người dùng thể chỉ định chế độ khởi động trong mục Settings –UEFI Advanced. 

Trong thực tế hoạt động thì bo mạch chủ ASRock B660M- PG Riptide với BIOS phiên bản 1.08 xuất xưởng sẽ được hãng viết BIOS giới hạn giá trị PL mặc định từ Intel tùy theo vi xử lý được sử dụng. Ví dụ với Core i7 12700 khi gắn vào thì BIOS auto gán giá trị PL1 = 65W, PL2 = 180W. Tuy nhiên, người dùng có thể tùy chỉnh giá trị này thông qua tính năng Base Frequency Boost lên tới 140W hoặc tùy chỉnh giá trị thủ công nhưng chỉ tối đa 125W PL1 / 241 PL2.

Mình đã có làm việc với team R&D của hãng để yêu cầu nâng mức giá trị này lên và hãng cũng đã hỗ trợ bằng việc cho release một phiên bản BIOS 2.02 beta trên trang chủ. Với phiên bản BIOS 2.02 này thì mức PL1 điều chỉnh thủ công hoặc tùy chỉnh bằng tính năng Base Frequency Boost đã được nâng lên tối đa là 200W PL1 và PL2 241W. Việc nâng lên này ASRock cũng đã note rất rõ để người dùng chú ý khi sử dụng max giá trị 200W với nội dung như sau:

“Hãy đảm bảo rằng hệ thống của các bạn được đối lưu không khí một cách tốt nhất. Bởi khi áp dụng giá trị Power Limit lên quá cao, sẽ dẫn tới một số rủi ro liên quan, chẳng hạn như làm hỏng hệ thống do quá nhiệt. Việc cập nhật phiên bản BIOS này nên được thực hiện bằng sự đảm bảo về hiệu quả và chi phí của hệ thống PC. Nếu các bạn không chắc chắn về những rủi ro, vui lòng tìm kiếm lời khuyên từ các chuyên gia.”

Load Line Calibration là tính năng tự động ổn định điện áp, giảm thiểu Vdroop cho CPU – hiểu nôm na là sẽ giúp giảm sự chênh lệch điện thế tiêu thụ bất ngờ khi thay đổi chế độ của CPU ở idle và full load. Đây là tính năng được trang bị trên các Mainboard từ rất lâu, và trên B660M- PG Riptide thì ASRock có sẵn 5 mức (Level) tùy chọn LLC để ổn định điện áp, mức 1 là mức ổn định cao nhất và mức 5 là mức thấp nhất.

Thermal Velocity Boost là một tính năng rất hấp dẫn trên CPU Intel thế hệ thứ 11, được Intel mô tả rằng “chức năng để tăng xung nhịp ở ngưỡng nhiệt độ 70 độ hoặc thấp hơn” đã bị vô hiệu hóa trên CPU Intel thế hệ thứ 12. Tuy nhiên, bản thân chức năng này vẫn nằm trong cài đặt BIOS của bo mạch chủ. Ngoài ra, chúng ta sẽ không thấy mục cho phép tắt bật AVX-512 vì Intel Gen 12 không hỗ trợ.

Tính năng OC non K cũng xuất hiện, chúng ta thấy mục BCLK Frequency trong tab CPU Configuration:

Hệ thống thử nghiệm

  • Vi xử lý Intel Core i7 12700KF – Intel Core i7 12700 – Intel Core i5 12400
  • Bo mạch chủ ASRock B660M- PG Riptide
  • Bộ nhớ Kingston Renegade 4600MHz 2x8GB
  • SSD ADATA SX6000NP 256GB và Kioxia Exceria Pro 1TB
  • VGA Inno3D RTX 3080Ti X3
  • Tản nhiệt Cooler Master PL360 Flux + kem tản nhiệt MX4 (riêng trường hợp dùng Core i5 12400 mình không dùng keo tản).
  • PSU Silverstone ET750 / MSI A650BN
  • Window 10 Pro 21H1 cùng một số phần mềm như CPU-Z, Cinbench R23, HWMonitor, Blender, VRAY…
  • Nhiệt độ phòng 26,5 độ C, hệ thống được đặt trên Benchtable.

Kết quả thử nghiệm

Với ASRock B660M- PG Riptide, chúng ta có thể ép xung bộ nhớ bằng cấu hình XMP được áp sẵn từ NSX bộ nhớ bằng cách chọn chế độ XMP Profile trong cài đặt BIOS.  Từ Chế độ XMP, người dùng cũng thể chọn áp dụng tất cả Timing phụ được ghi trong cấu hình XMP hoặc chỉ Timing chính như Độ trễ CAS. Khi giá trị cài đặt XMP Profile trong BIOS được đặt thành Auto, lúc này xung nhịp của bộ nhớ sẽ tự động nhận diện theo chuẩn JEDEC. JEDEC hiện tại cao nhất của DDR4 là đến 3200MHz và 4800MHz đối với DDR5. Theo đó, ASRock B660M- PG Riptide dễ dàng nhận diện mức xung nhịp 4600MHz của kit RAM Kingston Renegade trong bài viết và cho điểm số tốt trong AIDA64.

Kết quả khi chạy với các vi xử lý Intel Core i7 12700KF / 12700 / 12400 ở Default đều cho điểm số rất cao trên các phần mềm Cinebench R23, VRAY Benchmark, Blender Benchmark và điểm số này không thua gì các bo mạch chủ cao cấp.

Khả năng ép xung tốt

Tiến hành ép xung các vi xử lý Intel Core i7 12700KF, Intel Core i7 12700, Intel Core i5 12400. Kết quả cho điểm số rất bất ngờ khi hiệu năng gia tăng rất mạnh mẽ, cao hơn từ ~ 27% cho tới 40% trên các vi xử lý này. Và các vi xử lý được ép xung hoàn toàn trên 5GHz một cách dễ dàng. Mặc dù vậy, có vẻ BIOS khiển vẫn chưa tốt khi mà Vdroop vẫn hơi cao, trong một số trường hợp độ sụt điện áp vẫn còn chưa tốt khi set trong BIOS và trong CPU-Z có sự chênh lệch. Hi vọng ASRock sẽ cải tiến BIOS ở những phiên bản tiếp theo để cải thiện Vdroop được tốt hơn, mặc dù vấn đề này chỉ có thể tối ưu được một chút khi mà VRM của ASRock B660M- PG Riptide không thể so sánh với các phiên bản B660 cao cấp với mức giá đắt hơn nhiều.

Kiểm tra mức độ hoạt động hiệu quả của VRM

Về hiệu quả hoạt động của mạch VRM trong thực tế, mình đã điều chỉnh vi xử lý Intel Core i7 12700 ở mức 5,05GHz và sử dụng phần mềm Cinebench R23 sau đó thực hiện chế độ Stress Test trong 10P (Test Throttling). Tiếp tới sử dụng máy đo nhiệt FLIR Pro để đo điểm nóng nhất trên VRM của bo mạch chủ, nhằm tìm ra được ngưỡng load PL tối đa mà bo mạch chủ có thể chịu đựng được mà không bị sụt giảm hiệu năng do nóng gây ra. Kết quả rất tốt, khi điểm nóng nhất trên bo mạch chủ ở khu vực ít gió nhất chỉ khoảng ~88 độ với mức load CPU Package là ~ 194W. Tuy nhiên, cần lưu ý là do điều kiện thử nghiệm của mình là ở trên Benchtable và nhiệt độ phòng ~26,5 độ, cũng như tản nhiệt là AIO PL360 Flux, nên khu vực VRM không được thừa hưởng luồng gió làm mát như việc sử dụng các tản khí cao cấp. Trong quá trình kiểm tra, hoàn toàn không có hiện tượng giảm xung nhịp và điểm số đạt được sau khi test Throttling rất tốt.

Do đó khuyến nghị của mình đối với ASRock B660M – PG Riptide đó là mức PL1/CPU Package load tối đa và an toàn nhất mọi người nên đặt ở mức 180W trong BIOS để đạt được độ ổn định tốt nhất. Nếu muốn cao hơn, vui lòng PHẢI kiểm tra kĩ tản nhiệt sử dụng, môi trường sử dụng, khả năng đối lưu của hệ thống. Nếu không, sẽ gây ra hiện tượng điều tiết nhiệt làm giảm xung nhịp, giảm hiệu năng sử dụng hoặc gây mất ổn định hệ thống.

Kiểm tra hiệu suất giải nhiệt của Heatsink M.2

Như đã nói ở trên, B660M- PG Riptide có khe M.2 đầu tiên được trang bị Heatsink giải nhiệt bằng nhôm để loại bỏ việc điều chỉnh nhiệt của SSD NVMe M.2 tốc độ cao. Trên thực tế, không phải lúc nào khe M.2 với Heatsink đi kèm trên bo mạch chủ cũng có hiệu quả giải nhiệt tốt vì nó còn phụ thuộc vào khả năng thiết kế giải nhiệt lẫn mức tương thích với các SSD M.2 NVMe. Vì vậy, lần này, mình quyết định dùng phần mềm CrystalDiskMark và Benchmark 3 lần liên tiếp để kiểm tra nhiệt độ và tốc độ truyền dữ liệu của SSD. Nếu benchmark quá dài hoặc sử dụng SSD Fulload quá lâu trong thực tế, sẽ dẫn tới nóng quá mức, lúc này chức năng điều chỉnh nhiệt có trên SSD sẽ kích hoạt để ngăn nhiệt độ tăng quá cao. Khi tính năng điều chỉnh nhiệt độ được kích hoạt, mặc định hiệu năng của SSD sẽ sụt giảm rất nhiều.  

Kết quả tản nhiệt của Heatsink rất tốt khi mức nhiệt độ của SSD Kioxia Exceria Pro chỉ ở mức hơn 55 độ C.

Tất nhiên, điểm số của B660M- PG Riptide khi chạy với SSD Gen 4 tốc độ cao như Kioxia Exceria Pro 1TB cũng rất tốt, điểm số đạt được khi sử dụng các ứng dụng synthetic benchmark như Crytal Disk Mark hay Anvil’s Store Ultility là hoàn toàn ngang với nhiều bo mạch chủ tầm trung và cao khác.

Kết luận về sản phẩm

Sau 6 năm trôi qua, kể từ khi phát hành dòng sản phẩm Hyper với khả năng ép xung non K đình đám. Một lần nữa, ASRock lại làm dậy sóng giới mộ điệu công nghệ khi cho ra mắt sản phẩm B660M- PG Riptide với một mức giá phù hợp cho đại đa số người dùng ở phân khúc chủ đạo. Mạch VRM với 14 phase cho CPU cùng khả năng hỗ trợ ép xung non K rất tốt trong phân khúc, hỗ trợ LAN 2,5Gbps, chắn I/O đính kèm, khả năng hỗ trợ RAM bus cao tốt, biến sản phẩm này trở thành một ông vua hiệu suất trong phân khúc của nó.

Ưu điểm:

  • Mạch VRM 14 phase cho CPU, hỗ trợ tốt CPU Package 180W trong mọi điều kiện
  • Khả năng ép xung BCLK tốt, hiệu suất cao
  • LAN 2,5Gbps
  • Chắn I/O đính kèm
  • Khả năng hỗ trợ XMP với RAM bus cao tốt
  • Giá tốt trong phân khúc chỉ ~ 3,7 triệu

Nhược điểm:

  • Không có USB Type C sau I/O Panel
  • Không có nút Clear CMOS hoặc BIOS FlashBack
  • Vdroop hơi cao

tienpc
tienpchttps://tienpc.net
Đơn giản thôi, là ông bố của hai cô con gái xinh xắn và đáng yêu :*
RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments