Giới thiệu
Các bo mạch chủ có thiết kế tông màu trắng luôn là sự lựa chọn hấp dẫn dành cho các tín đồ ưu thích sự độc lạ và thẩm mỹ. Trước đây, bo mạch chủ màu trắng thường xuất hiện ở phân khúc trung và cao cấp do tính chất phân cấp sản phẩm, đồng thời giá thành của các bo mạch chủ trắng cũng cao hơn. Tuy nhiên, với xu hướng “bình dân hóa” và tạo điều kiện cho người dùng có thể tiếp cận lẫn sử dụng, các hãng bo mạch chủ lần lượt đưa ra nhiều phiên bản trắng “Ngọc Trinh” nhằm hấp dẫn hơn trong mắt người dùng ở phân khúc chủ đạo.
ASRock cũng nằm trong số đó khi giới thiệu một số mẫu bo mạch chủ trắng đầu tiên dựa trên cả hai nền tảng bao gồm B760M-HDV/M.2, H610M-HDV/M.2 cho Intel và B550M Pro SE cho AMD.
Ảnh Internet
Bài viết ngày hôm nay mình sẽ đánh giá dòng sản phẩm B760M-HDV/M.2 để đưa ra cái nhìn toàn cảnh cho các bạn thấy rõ về mặt hiệu năng.
ASRock B760M-HDV/M.2
ASRock thiết kế cho B760M-HDV/M.2 theo tiêu chuẩn mATX hiện đại với đường nét sắc sảo và cá tính, cùng với tính thẩm mỹ được nâng cấp hơn so với tiền nhiệm. Hãng đã thay thế toàn bộ tông màu xám ở dòng HDV thông thường và khoác lên màu áo trắng tinh khôi cho toàn bộ mạch PCB / Heatsink VRM và PCH. Việc trang bị Heatsink cho VRM là một sự ưu ái lớn của ASRock so với các sản phẩm trong phân khúc và tăng tính cạnh tranh. Bởi điểm nóng nhất trên bo mạch chủ khi hoạt động bao gồm các thành phần VRM, PCH và M.2, nếu không được trang bị heatsink giải nhiệt thì khả năng hoạt động tải nặng của các phần này sẽ kém. Trong đó cụm hợp kim nhôm cho VRM được thiết kế vừa vặn, với một số đường khía đón gió mặt bên để có thể giải nhiệt tốt hơn khi hoạt động với các tản nhiệt khí.
Mạch VRM cải tiến
Bên dưới là ảnh chi tiết mạch VRM của ASRock B760M-HDV/M.2, nhìn qua thấy rõ so với với phiên bản B760M-HDV/M.2 D4 đã có sự cải tiến rất mạnh mẽ. Đi sâu vào chi tiết phân tích chúng ta có những thứ như sau:
- IC PWM sử dụng Richtek RT3628AE ở chế độ 7+1+1 phase, điều khiển trực tiếp.
- Mosfet trở kháng thấp cho mỗi phase bao gồm 2 SinoPower SM4508NH (30V, 48A) đóng vai trò High Side và 2 SM4503NH (30V, 80A) đóng vai trò Low Side. Thiết kế này nếu so sánh với bo mạch chủ B660M Pro RS trước đó thì ASRock đã tăng cường thêm trị số cho Low Side Mosfet.
- IC AUX PWM vẫn là Anpec APW8828. Bản thân VCCAUX chịu trách nhiệm cấp nguồn/điều khiển cho bộ điều khiển bộ nhớ của CPU và Bộ điều khiển PCIe.
- PCB 4 layer
- 1 đầu cấp nguồn 8 pin EPS 12V
Thiết kế mạch VRM này theo lý thuyết sẽ giúp cho ASRock B760M-HDV/M.2 có thể chạy tốt các vi xử lý có TDP tầm 140W đổ về tương tự như B660M Pro RS, tức các vi xử lý có thể hỗ trợ tối đa là Core I5-12600K, Core I5-13500 hoặc tương đương. Còn chi tiết như thế nào mời các bạn theo dõi ở phần hiệu năng thực tế ở bên dưới.
Hỗ trợ SSD Gen 4 tốc độ cao và WiFi thời thượng
Bo mạch chủ ASRock B760M-HDV/M.2 đồng thời hỗ trợ cho các ổ SSD NVMe M.2 PCIe Gen 4 với hiệu suất và tốc độc cao nhưng có kích thước lớn hơn, bao gồm định dạng 2260/2280 phổ biến. ASRock cung cấp 01 cổng Hyper M.2 có thể cắm các SSD mới nhất theo chuẩn PCIe 4.0 cho tốc độ truyền dữ liệu lên đến 64Gb/s và 01 cổng Ultra M.2 hỗ trợ các SSD theo chuẩn PCIe 3.0 cho tốc độ truyền dữ liệu lên đến 32Gb/s tuy nhiên sẽ không trang bị heatsink giải nhiệt cho cổng M2 nào.
Tuân theo spec hỗ trợ của Intel cho nên thay vì sử dụng LAN 1Gb/s thì ASRock đã trang bị cổng LAN dùng Dragon RTL8125BG với băng thông 2,5Gb/s. Cổng M.2 Socket (Key E) hỗ trợ định dạng 2230 với module WiFi/BT PCIe WiFi và Intel CNVio/CNVio2 (WiFi/BT tích hợp). Cổng I/O cũng hỗ trợ Type C thời thượng.
Hỗ trợ bộ nhớ DDR5 với xung nhịp cao
Mặc dù là dòng bo mạch chủ ở phân khúc chủ đạo, nhưng ASRock vẫn ưu ái cho ASRock B760M-HDV/M.2 khả năng hỗ trợ hỗ trợ DDR5 dual channel với dung lượng tối đa 96GB, xung nhịp cũng hỗ trợ rất cao lên tới DDR5 7200MHz (OC). Để giúp quá trình ép xung hay kiểm nghiệm phần cứng được thuận lợi hơn cho các tay chơi, cũng như giúp cho quá trình phục hồi BIOS được nhanh chóng và dễ dàng khi xảy ra lỗi, ASRock trang bị thêm Jumper Clear CMOS nằm ở góc trái bo mạch.
Cụm âm thanh sử dụng Realtek ALC897 vốn được sử dụng nhiều ở các bo mạch chủ dòng Z vài năm trước. LED trên bo mạch không được tích hợp sẵn, nhưng ASRock cũng trang bị 3 cổng ARGB để người dùng có thể tùy biến và nâng cao tính thẩm mỹ của sản phẩm.
BIOS trực quan
BIOS của ASRock B760M-HDV/M.2 nói riêng và của các sản phẩm ASRock nói chung, ở màn hình truy cập lần đầu sẽ hiển thị một màn hình đồ họa được gọi là Easy Mode, trông rất giản dị và nhẹ nhàng, cung cấp một số thông tin cơ bản và trực quan cho người dùng. Nếu muốn tìm hiểu sâu hơn, lúc này cần bấm phím F6 để chuyển nhanh sang chế độ Advanced Mode với nhiều lựa chọn cài đặt và tinh chỉnh. Nếu muốn hiển thị chế độ Advanced Mode từ đầu sau lần khởi động tiếp theo, người dùng thể chỉ định chế độ khởi động trong mục Settings –UEFI Advanced.
Trong thực tế hoạt động thì bo mạch chủ ASRock B760M-HDV/M.2 được ASRock viết BIOS giới hạn giá trị PL mặc định từ Intel tùy theo vi xử lý được sử dụng. Tuy nhiên, giá trị tối đa đạt được là PL125 và PL2 188W vì mình đã thử điều chỉnh bằng việc áp giá trị Manual thông qua điều chỉnh Long Duration và Short Duration nhưng ASRock đã lock các giá trị này nên không thể thay đổi. Có thể ASRock muốn người dùng chỉ chạy với các vi xử lý có TDP 125W đổ về trong thời gian dài để tối đa hóa hiệu năng và tính ổn định.
Với bo mạch chủ ASRock cho Intel, chúng ta có thể ép xung bộ nhớ bằng cấu hình XMP được áp sẵn từ NSX bộ nhớ bằng cách chọn chế độ XMP Profile trong cài đặt BIOS. Từ Chế độ XMP, người dùng cũng thể chọn áp dụng tất cả Timing phụ được ghi trong cấu hình XMP hoặc chỉ Timing chính như Độ trễ CAS. Khi giá trị cài đặt XMP Profile trong BIOS được đặt thành Auto, lúc này xung nhịp của bộ nhớ sẽ tự động nhận diện theo chuẩn JEDEC. JEDEC hiện tại cao nhất của DDR4 là đến 3200MHz và 5600MHz đối với DDR5.
Hệ thống thử nghiệm
- Vi xử lý Intel Core I5-13600K
- Bo mạch chủ ASRock B760M-HDV/M.2 (tại thời điểm test là BIOS 1,05 mới nhất trên trang chủ ASRock)
- Bộ nhớ Kingston Fury Beast RGB White 5600MHz 2x16GB
- SSD SSTC HummerHead E21 512GB và Kioxia 1TB Exceria Plus
- Tản nhiệt Cooler MasterCore 240L ARGB White
- VGA CLF RTX 3070Ti Vulcan
- PSU ARESGAME AGT 1000W
- Window 10 Pro 21H1 cùng một số phần mềm như CPU-Z, Cinbench R23, HWMonitor, AIDA64…
- Nhiệt độ phòng ~28 độ C, hệ thống được đặt trên Benchtable.
- Keo SSTC 14mK.
Kết quả thử nghiệm
Mình đã điều chỉnh lại giá trị PL lên cao nhất mà BIOS cho phép là PL1 125W và PL2 188W để kiểm nghiệm. Ở mức này bo mạch chủ hoàn thành tốt bài thử nghiệm khi benchmark bằng Cinebench R23 với điểm số tốt, mức PL 125W của I5-13600K tương đồng với I5-13500.
Bo mạch chủ cũng dễ dàng chạy tốt kit RAM 5600MHz Kingston khi bật XMP Profile và cho băng thông không thua kém gì các bo mạch chủ B760 cao cấp khác. Kết quả khiển SSD chưa thật sự quá tốt khi cho tiến hành benchmark với SSD Kioxia 1TB Exceria, điểm số so với nhiều dòng bo mạch chủ B760 khác là chưa ổn. Mình sẽ thử lại với bản BIOS khác + bản Win khác nếu có time để kết luận cho đúng.
Thử ép xung RAM bằng cách tăng xung nhịp rồi điều chỉnh nhanh mức timing chính và cái kết là bo mạch chủ có thể khiển được ở mức 7K MHz, khá khen cho một bo mạch chủ ở phân khúc hạng “ruồi” trong thi đấu boxing.
Tiến hành Stress bằng Cinebench R23 trong 10p để đo nhiệt VRM của sản phẩm, kết quả cuối cùng ở mức load 125W thì nhiệt độ khu vực nóng nhất trên VRM là ~ 87 độ. Do hệ thống test được đặt trên benchtable, mọi thứ để Auto chưa tinh chỉnh voltage/LLC, tản nhiệt AIO. Vì vậy, mức nhiệt độ thực tế khi lắp đặt vào case có thể khác nhau phụ thuộc vào việc đối lưu khí, tản nhiệt được sử dụng và cách thức tinh chỉnh.
Kết luận
ASRock B760M-HDV/M.2 của ASRock mang tới cho người dùng ở phân khúc chủ đạo một sự lựa chọn hấp dẫn với mức giá phù hợp. Với tông màu trắng Ngọc Trinh mang lại vẻ thẩm mỹ cao trong các hệ thống cần “show hàng”, đồng thời trang bị LAN Dragon thời thượng Intel giúp việc trải nghiệm game online hay dữ liệu mạng mượt mà hơn. Cùng với khả năng chạy tốt các bộ nhớ RAM ở mức xung nhịp cao sẽ giúp người dùng tận dụng được hiệu năng tốt nhất.
Ưu điểm:
- Chạy tốt các vi xử lý có TDP 140W đổ về với tản khí
- Trang bị LAN Dragon 2,5Gb/s
- Hỗ trợ chạy RAM bus cao ổn định
- Trắng Ngọc Trinh với tính thẩm mỹ cao
- Trang bị USB Type C
- Trang bị 3 cổng ARGB thời thượng
Nhược điểm:
- Không tùy chỉnh được giá trị PL1 lên cao hơn 125W với phiên bản BIOS trong thử nghiệm
- Chặn Main rời
- Điểm số benchmark SSD hơi thấp với phiên bản BIOS 1.05 (hiện đã có BIOS mới tốt hơn).