Thứ Bảy, Tháng Bảy 27, 2024
No menu items!
HomeReview Sản PhẩmĐánh giá PSU NZXT C750 Bronze - Đến lượt tầm trung trổ...

Đánh giá PSU NZXT C750 Bronze – Đến lượt tầm trung trổ tài

Giới thiệu

NZXT là nhà sản xuất phần cứng máy tính của Mỹ có trụ sở tại Los Angeles , California và đã tạo dựng được tên tuổi trên trường công nghệ với nhiều sản phẩm độc đáo và lạ mắt. Các sản phẩm chủ đạo được NZXT sản xuất bao gồm vỏ case máy tính, linh kiện và phụ kiện dành cho thị trường Gaming PC cũng như Hi End.

NZXT đã giới thiệu các model PSU gần đây nhất là dòng C Series 80 Plus Gold / Full Modular với các mức công suất từ 650W cho tới 850W, hỗ trợ cho các hệ thống PC trung và cao cấp nhằm mang lại sự ổn định cao nhất, đồng thời cũng được trang bị tính năng Zero-RPM khi tải thấp để hoạt động yên tĩnh. Sau khi gây được tiếng vang và sự thiện cảm từ phía giới mộ điệu công nghệ, NZXT lần lượt đưa ra các model PSU ở phân khúc thấp hơn nhằm tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng hơn.

C Series Bronze.


Đó là lý do cho sự xuất hiện của C Series 80 Plus Bronze / Semi Modular với các mức công suất từ 550W cho tới 750W, trong đó hãng đã có một số thay đổi nhỏ nhằm phù hợp với đối tượng ở phân khúc chủ đạo. Không như đàn anh NZXT C-series 80 Plus Gold được sản xuất bởi Seasonic – hãng sản xuất PSU cho nhiều thương hiệu và có tác dụng định giá cho việc xây dựng các PSU chất lượng cao. Dòng C- Series 80 Plus Bronze lại được hãng NZXT đi OEM từ đối tác CWT, dựa trên CSB-A Platform danh tiếng.

Mặc dù thay đổi nhà OEM, nhưng C Series 80 Plus Bronze cũng được dựa trên các thành phần linh kiện chất lượng cao và tuân thủ các thông số kỹ thuật ATX12 v2.4 / EPS12V v2.92.

NZXT C750 Bronze

NZXT đã thiết kế tông màu chủ đạo của C Series nói chung từ dòng Gold cho tới Bronze đều có vẻ bên ngoài lẫn bên trong như nhau. Về cơ bản, thiết kế vỏ hộp bên ngoài trông rất “cổ điển” và hợp lý, không màu mè hoa lá cành như nhiều loại PSU trung và cao cấp đang có trên thị trường. Ở mặt sau và hai bên mô tả tính năng của sản phẩm. Mở hộp ra thì rõ ràng sản phẩm được đóng gói rất kĩ với túi mút đựng sản phẩm kết hợp với các miếng bọt chống sốc và va đập, cạnh đó là túi nilong đựng dây cable module và dây nguồn đi kèm.



C750 Bronze chỉ là một PSU Semi Modular, trong đó cụm dây 24 pin lại được thiết kế cable bo tròn thay vì dẹt (Flat) như nhiều loại PSU đời mới khác. Các dây cable còn lại là loại Flat và vẫn tuân theo chuẩn 18WAG với chất lượng cao. PSU C750 Bronze của NZXT có kích thước 150 × 140 × 86 mm và do đó sản phẩm có thể vừa với bất kỳ case máy tính chuẩn ATX.

Nhãn dán chi tiết về công suất của sản phẩm, chúng ta có thể thấy đường 12V cung cấp đúng với giá trị danh định bên ngoài, tức 62,5A / 750W. Một mẹo nhỏ nhận biết sản phẩm tốt hay không, có là nhìn vào công suất của đường 12V cấp cho sản phẩm. Giá trị của đường 12V càng sát hoặc bằng với giá trị công suất danh định thì sản phẩm đó có chất lượng tốt hoặc trang bị mạch DC to DC tiên tiến.

Do là bộ nguồn Semi Modular nên hệ thống cable của NZXT C750 Bronze bao gồm:

  • 01 đầu cấp 20+4 pin cho Mainboard (chiều dài 55cm)
  • 02 đầu cấp 4+4 pin ATX12V cho CPU (chiều dài 67cm)
  • 03 đầu cấp 6+2 pin PCIe (chiều dài 55cm+15cm)
  • 06 đầu cấp SATA (chiều dài 50cm+15cm+15+15)
  • 03 đầu cấp Molex
  • Và một dây nguồn tiêu chuẩn

Các PSU hiện đại với hiệu suất cao ngoài việc được thiết kế theo platform mới còn sử dụng các linh kiện có trị số cao và chất lượng. Điều này mang lại không gian trong PSU thoáng đãng hơn, đồng thời cũng nhẹ đi nhiều khi các heatsink nhôm tản nhiệt được sử dụng với mật độ ít hơn do nhiệt năng sinh ra giảm đáng kể.

NZXT C750 Bronze được thừa hưởng những ưu điểm từ CWT CSB-A Platfom với thiết kế Double Forward và DC-DC tương tự như dòng MSI A-BN Series, ADATA XPG Pylon, Thermaltake Smart BM2… Do đó, thiết kế bên trong thoạt nhìn khá đơn giản và thông minh nên trông tổng thể toàn bộ bo mạch sạch sẽ, gọn gàng đem tới hiệu năng vượt trội.


Quạt làm mát của các PSU C Bronze Series đều sử dụng loại Flyalpine Electronics DF1202512RFHN (120mm, 12V, 0.32A, Rifle Bearing, 2400RPM) đem lại hiệu năng giải nhiệt một cách tốt nhất mà độ ồn tỏa ra không đáng kể cùng với đó là tuổi thọ sử dụng tốt hơn so với các loại Fan thông thường. Cạnh đó là máng nhựa giúp hướng luồng không khí đi từ trong ra ngoài, tối ưu việc làm mát cho các linh kiện nằm ở góc khuất trong PSU.

Thành phần hạn chế tia lửa điện trên chấu cắm, như trên hình minh họa, các bạn sẽ thấy được các tụ Y nằm ở trên chấu cắm, tụ Y và tụ X nằm ở cạnh các cuộn cảm. Mạch lọc nhiễu EMI và MOV và NTC tất nhiên vẫn được trang bị ở sản phẩm.

Chất lượng lọc điện áp DC của NZXT C750 Bronze cho phần đầu vào công suất PFC được đảm bảo bằng một con tụ lọc chính Nichicon của Nhật với điện dung 470uF /400V rated 105 độ, tuổi thọ 2000h. Nichicon hiện tại là thương hiệu tụ nằm trong Tier 1, các tụ điện được sản xuất bởi thương hiệu này thường được sử dụng trong PSU cao cấp. Với một PSU có công suất danh định 750W thì việc trang bị tụ lọc có dung lượng lọc như thế này nhằm có thể đảm bảo đáp ứng Hold Up Time theo tiêu chuẩn ATX từ Intel.

Tạo ra nguồn DC cấp cho phần công suất PWM thông qua một diode cầu chỉnh lưu GBU1506 (600 V, 15 A @ 100 °C) được đính lên phiến tản nhiệt nhằm giải nhiệt hiệu quả nhất. Mức hoạt động của diode cầu này dư sức gánh cho mức công suất 750W của NZXT C750 Bronze.

Là một PSU có A.PFC Full Range nên NZXT C750 Bronze sử dụng một cặp mosfet Great Power GP28S50G  (500 V, 28 A, Rds 0.125 ohm) kèm vào đó là boost diode On Semiconductor FFSP0665A (650 V, 6 A @ 153 °C).

Mạch DC to DC được thiết kế trên một module riêng, sau các diode nắn điện +12VDC. Module có tính nặng hạ điện áp từ +12VDC xuống hai mức điện áp thấp hơn là +3.3V và 5V, đồng thời đóng vai trò ổn áp cho các đường điện này. Các PSU mới hiện tại thường được trang bị mạch DC to DC này và NZXT C750 Bronze sử dụng bộ điều khiển PWM Anpec APW7159C với các mosfet Onsemi QM3016D (30V, 68A @ 100°C, Rds 4mOhm).

Khu vực nắn dòng +12V đầu ra của NZXT C750 được trang bị các Mosfet PFC PFR40V60CT 100A @ 100°C)  SBR (60 V, 40 A) và AP6N3R5P (60 V, 80 A @ 100 °C).

Tầng PFC/PWM được điều khiển bởi IC Champion CM6800XT & Champion CM03X.

IC Supervisor của NZXT C750 có sự hiện diện của IN1S429I-DCG đảm bảo các chế độ bảo vệ đầy đủ cho một bộ nguồn tầm trung bao gồm: OCP, OVP, SCP, OPP, OTP. Mạch cấp trước sử dụng loại TNY287PG.

NZXT sử dụng các tụ một loạt các tụ điện Elite với các mức điện dung khác nhau để lọc nhiễu cho phần thứ cấp cho C750 Bronze. So với đàn anh C750/C850 Gold thì rõ ràng đây là một việc “hạ cấp” nhằm làm giảm giá thành. Bởi tụ chính của phần thứ cấp của C750/C850 Gold chủ yếu sử dụng thương hiệu tụ chất lượng cao thuộc Tier 1 đến từ Nippon Chemi-Con, Rubycon.

Hệ thống PC thử nghiệm và kết quả

  • Vi xử lý Dual Xeon E2678 V3
  • Bo mạch chủ ASUS Z10PA- D8C
  • Bộ nhớ SAMSUNG ECC RDIMM 32GBx2
  • VGA Yeston RTX 3080 Sakura Hitomi
  • Tản nhiệt T400i
  • Window 10 Pro 21H1 cùng một số phần mềm như CPU-Z, Furmark, Prime95
  • Nhiệt độ phòng ~33 độ, hệ thống được đặt bên ngoài.

Tất nhiên để kiểm nghiệm hiệu năng của một PSU một cách chính xác, cần tới một hệ thống tải giả cao cấp và đắt tiền lẫn các kĩ sư giàu kinh nghiệm. Ở Việt Nam, hiện có F14Testlab là nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố để đánh giá một PSU tốt nhất và chuyên nghiệp nhất. Trong khuôn khổ bài viết này, mình chỉ có thể đánh giá sản phẩm thông qua việc test fulload một hệ thống ăn điện, và đo đường 12V thông qua công cụ đo điện DMM nhằm đưa ra cái nhìn ban đầu và trực quan.

Kết quả khi ở chế độ Idle, voltage 12V báo 12,16 và Kill A Watt dao động ~ 80W tới 170W tùy tải vào thời điểm.

Tiến hành cho chạy Furmark ở chế độ Full HD/MSAA 8X và Prime95 để vắt kiệt hệ thống trong vòng 1 tiếng. Kill A Watt lúc này báo ~ 700W điện AC và Voltage lúc này chỉ 12,13V, một con số rất an toàn.

Tiến hành đo nhiệt độ của bộ nguồn khi hoạt động tải nặng bằng công cụ FLIR One Pro, kết quả khu vực nóng nhất ~ 75 độ.

Kết luận về sản phẩm

Nhìn chung, NZXT C750 là một bộ nguồn được thiết kế tốt trong phân khúc khi thừa hưởng platform CSB-A chất lượng từ CWT. Khi hoạt động, PSU chịu tải nặng liên tục nhưng vẫn rất ổn định mặc dù quạt hơi có chút ồn. Nhìn chung, đây là một PSU thích hợp cho các tín đồ công nghệ muốn sử dụng một PSU có chất lượng cao trong phân khúc, cùng với đó là một hệ sinh thái đa dạng từ một thương hiệu nhất định.

Ưu điểm:

  • Chất lượng xây dựng tốt
  • Hiệu quả hoạt động tốt
  • Semi Modular

Nhược điểm:

  • Vẫn sử dụng cable tròn ở một số vị trí nhất định
  • Giá hơi cao so với một số sản phẩm cùng phân khúc

tienpc
tienpchttps://tienpc.net
Đơn giản thôi, là ông bố của hai cô con gái xinh xắn và đáng yêu :*
RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments