Giới thiệu
Elitegroup Computer Systems Co., Ltd (ECS) là một công ty điện tử được thành lập vào năm 1987 và có trụ sở chính đặt tại Đài Loan. ECS từng là hãng sản xuất bo mạch chủ lớn thứ 5 thế giới sau ASUS, Gigabyte, ASRock với sản lượng đạt 24 triệu chiếc trong năm 2002. Nhiều bo mạch chủ đã được sản xuất cho các khách hàng OEM và được sử dụng trong các hệ thống đồng bộ cũng như được bán ra với thương hiệu của các hãng IBM, Compaq…
Chiến lược kinh doanh của ECS ở thời điểm hiện tại đó là sản xuất industrial Mobo, SOC, Mini-PC do đó chúng ta sẽ thấy rất ít sự cách tân sản phẩm bo mạch chủ cho người dùng cuối. Tại thị trường Việt Nam, ECS cũng từng rất nổi danh với nhiều dòng sản phẩm đình đám từ thời socket LGA478, 775, H61.
Ở hiện tại, ECS được phân phối bởi Shark Solution Company (SSTC) có trụ sở tại cả hai miền Nam Bắc.
Bo mạch chủ ECS B660H7-M22 Durathon
Durathon là dòng bo mạch chủ được ECS phát triển và giới thiệu vào 2013, tất cả những dòng bo mạch chủ mang thương hiệu Durathon sẽ được kiểm tra các tiêu chuẩn công nghiệp như độ bền, độ ổn định và tin cậy, cũng như vật liệu được sử dụng trong quá trình sản xuất bo mạch chủ cũng tốt hơn. Dụng ý sử dụng từ Durathon bắt nguồn từ các từ durable và marathon, trong đó đề cập đến các phương pháp kiểm tra nghiêm ngặt của mỗi bo mạch chủ trong điều kiện môi trường khắc nghiệt.
ECS B660H7-M22 Durathon được thiết kế theo Form Factor mATX, với tông màu đen chủ đạo. Là một sản phẩm ở phân khúc phổ thông nên được tối giản nhiều thứ nhưng vẫn đảm bảo hoạt động ổn định trong phân khúc của nó. Điểm đầu tiên nhìn thấy rõ đó là khu vực VRM sẽ không được trang bị các heatsink giải nhiệt.
Mạch VRM giúp tải tốt các vi xử lý có TDP 100W
Bên dưới là ảnh chi tiết mạch VRM của ECS B660H7-M22 Durathon. Đi sâu vào chi tiết phân tích chúng ta có những thứ như sau:
- IC PWM sử dụng ON Semiconductor NCP81520, ở chế độ 4+1 phase, áp dụng Doubler nên có thiết kế lúc này là 8+1+1 phase.
- Mosfet trở kháng thấp ở mỗi phase cho CPU vCore và VCCGT bao gồm 1x SinoPower SM4377 (30V, 50A) đóng vai trò High Side và SM4373NA (30V, 70A) đóng vai trò Low Side. Ngoài ra như đã nói, còn có một IC Doubler được trang bị ở mỗi phase cho phần CPU vCore.
- 1 phase cho AUX và IC AUX PWM là ON Semiconductor NCP81270. Bản thân VCCAUX chịu trách nhiệm cấp nguồn/điều khiển cho bộ điều khiển bộ nhớ của CPU và Bộ điều khiển PCIe.
- Đầu cấp nguồn EPS 12V 8pin.
Với thiết kế mạch VRM này thì ECS B660H7-M22 Durathon tương đương với một số bo mạch chủ trong phân khúc của nó như ASRock B660M-HDV, Gigabyte B660M-D2H/D3H… Do đó, kì vọng sản phẩm này sẽ chạy tốt các vi xử lý có TDP tầm 100W là điều khả dĩ, còn kết quả như thế nào chúng ta sẽ đến phần thử nghiệm ở cuối bài viết.
Hỗ trợ khe PCIe 4.0 và SSD PCIe 4.0 tốc độ cao
ECS B660H7-M22 Durathon trang bị một khe PCIe 4.0 x16 cơ bản và 01 khe PCI Express X 1 Gen 3.0, đồng thời hỗ trợ cho các ổ SSD NVMe M.2 PCIe Gen 4 với hiệu suất và tốc độc cao nhưng có kích thước lớn hơn, bao gồm định dạng 2242/2260/2280 phổ biến. Sản phẩm cung cấp 02 cổng Hyper M.2 key M, trong đó cổng vị trí 01 có thể cắm các SSD mới nhất theo chuẩn PCIe 4.0 cho tốc độ truyền dữ liệu lên đến 64Gb/. Cổng còn lại ngoài hỗ trợ ổ cắm SSD PCIe 3.0 còn hỗ trợ thêm các ổ cứng chuẩn SATA3 6.0 Gb / s.
Cụm âm thanh sử dụng Realtek ALC897 vốn được sử dụng nhiều ở các bo mạch chủ dòng Z vài năm trước. Đáng tiếc là dòng sản phẩm này ECS không trang bị các header RGB/ARGB trên bo mạch chủ. Cổng SATA3 6.0 Gb / s được trang bị có 04 cổng, trong đó có 2 cổng xoay ngang giúp đi dây thẩm mỹ hơn cho hệ thống PC.
Đèn báo lỗi debug Code cũng được trang bị ở dòng sản phẩm này, đây là ưu điểm khá lớn so với một số sản phẩm cùng phân khúc.
Hỗ trợ bộ nhớ DDR4 với xung nhịp cao
Mặc dù là dòng bo mạch chủ ở phân khúc chủ đạo, nhưng ECS vẫn ưu ái cho B660H7-M22 Durathon khả năng hỗ trợ hỗ trợ DDR4 dual channel với dung lượng tối đa 64GB (vì chỉ có hai khe cắm), xung nhịp cũng hỗ trợ rất cao lên tới DDR4 4600MHz+(OC).
Khu vực I/O cũng rất cơ bản với các cổng xuất hình lẫn lưu trữ phù hợp cho các nhu cầu ở phân khúc chủ đạo.
BIOS trực quan và cũng dễ sử dụng
B660H7-M22 Durathon có BIOS cũng khá trực quan và lạ mắt. Tương tự như đối với nhiều dòng bo mạch chủ khác, khi truy cập vào BIOS sẽ hiển thị một màn hình đồ họa mà chúng ta hay được gọi là Easy Mode, trông rất giản dị và nhẹ nhàng, cung cấp một số thông tin cơ bản và trực quan cho người dùng về hệ thống.
Nếu muốn tìm hiểu sâu hơn, lúc này cần click chuột vào nút Advanced để chuyển nhanh sang chế độ Advanced Mode với nhiều lựa chọn cài đặt và tinh chỉnh.
Tab Tweak sẽ cho chúng ta điều chỉnh các thông số CPU như giá trị PL, tinh chỉnh XMP và timing RAM…Do là bo mạch chủ phổ thông nên nhìn chung không có nhiều lựa chọn để có thể khai thác tối đa hệ thống. Ngoài ra thì một số thiết lập BIOS trông có vẻ đơn giản và nghèo nàn về tính năng, ví dụ như không có tính năng chụp ảnh màn hình. Ngoài ra thì thay vì bấm F10 để thoát khỏi BIOS như các dòng bo mạch chủ phổ biến thì đối với sản phẩm này chúng ta phải bấm F4.
Hệ thống thử nghiệm
- Vi xử lý Intel Core i5 12600K
- Bo mạch chủ B660H7-M22 Durathon
- Bộ nhớ Kingston Renegade 4600MHz 2x8GB
- SSD ADATA SX6000NP 256GB
- Tản nhiệt CPU Thermalright Burst Assassin 120
- PSU ADATA Pylon 550W
- Window 10 Pro 21H1 cùng một số phần mềm như CPU-Z, Cinbench R23, HWMonitor
- Nhiệt độ phòng 27,5 độ C, hệ thống được đặt trên Benchtable.
Với B660H7-M22 Durathon chúng ta có thể ép xung bộ nhớ bằng cấu hình XMP được áp sẵn từ NSX bộ nhớ bằng cách chọn chế độ XMP Profile trong cài đặt BIOS. Khi giá trị cài đặt XMP Profile trong BIOS được đặt thành Auto, lúc này xung nhịp của bộ nhớ sẽ tự động nhận diện theo chuẩn JEDEC. JEDEC hiện tại cao nhất của DDR4 là đến 3200MHz và 4800MHz đối với DDR5.
Theo đó, B660H7-M22 Durathon dễ dàng nhận diện mức xung nhịp theo XMP Profile 1 là 4000MHz và XMP Profile 2 là 4600MHz của kit RAM Kingston Renegade trong bài viết. Tuy nhiên nếu so sánh điểm số với các bo mạch chủ cùng cấp trên thị trường thì B660H7-M22 Durathon cho điểm số có phần thua kém nhiều hơn, điều này cũng dễ hiểu vì cách thiết lập các chỉ số timing của bo mạch chủ này không tốt bằng.
Về hiệu năng CPU, do mạch VRM được thiết kế ở mức trung bình khá trong phân khúc và không có heatsink. Do đó ở mặc định, ECS đã để giá trị PL của Intel Core i5 12600K trong BIOS là PL1 = 95W và PL2 = 200W nhằm tránh xảy ra hiện tượng điều tiết nhiệt khi mạch VRM quá nóng gây sụt giảm hiệu năng. Hiệu năng của i5-12600K đạt được khi tiến hành chạy 10p Cinebench R23 (Test Throttling) là hơn 14K6.
Kiểm tra mức độ hoạt động hiệu quả của VRM
Về hiệu quả hoạt động của mạch VRM trong thực tế, như đã nói ở trên, mình sử dụng phần mềm Cinebench R23 sau đó thực hiện chế độ Stress Test trong 10P (Test Throttling). Tiếp tới sử dụng máy đo nhiệt FLIR Pro để đo điểm nóng nhất trên VRM của bo mạch chủ, nhằm tìm ra được ngưỡng load PL tối đa mà bo mạch chủ có thể chịu đựng được mà không bị sụt giảm hiệu năng do nóng gây ra. Kết quả rất tốt, khi điểm nóng nhất trên bo mạch chủ ở khu vực ít gió hơn chỉ 83 độ với mức load CPU Package là 95W PL1.
Tuy nhiên, cần lưu ý là do điều kiện thử nghiệm của mình là ở trên Benchtable và nhiệt độ phòng 27,5 độ, nếu đóng trong case kín kết quả sẽ thay đổi. Trong quá trình kiểm tra, hoàn toàn không có hiện tượng giảm xung nhịp và điểm số đạt được sau khi test Throttling rất tốt.
Kết luận về sản phẩm
Nhìn chung, B660H7-M22 Durathon là dòng sản phẩm hướng tới mục đích phổ thông hóa các vi xử lý Intel Gen 12 khi cho hiệu năng tốt trong phân khúc. Bản chất của nó là dành cho những người dùng ăn chắc mặc bền, cần một bo mạch chủ giá rẻ để chạy tốt các CPU như i5 12400 hoặc các vi xử lý có mức TDP 100W đổ về, cùng với khả năng điều khiển RAM bus cao để có thể gia tăng hiệu năng làm việc hoặc chơi game.
Ưu điểm:
- Mạch VRM hỗ trợ các CPU có TDP 100W
- Khả năng hỗ trợ XMP với RAM bus cao tốt
- Trang bị đèn debug code
- Giá tốt
Nhược điểm:
- BIOS hơi nghèo nàn tính năng
- Không có LED lẫn Header ARGB