Thứ sáu, Tháng chín 20, 2024
No menu items!
HomeReview Sản PhẩmĐánh giá ASRock Z690 PG Riptide - Hướng ánh nhìn tới các...

Đánh giá ASRock Z690 PG Riptide – Hướng ánh nhìn tới các game thủ cạnh tranh và người dùng hiệu suất

Tổng quan

Intel đã giới thiệu dòng vi xử lý Gen 12 cùng với chipset Z690 gần hai tháng trước đây. So với các thế hệ vi xử lý trước đó, Intel Gen 12 có thể nói là một cuộc cách mạng nhỏ trong thế giới của kiến ​​trúc x86, bởi các vi xử lý thuộc thế hệ này là những bộ xử lý đầu tiên tích hợp kiến ​​trúc lai. Quá trình này bao gồm việc kết hợp hai loại nhân khác nhau trên cùng một con chip. Nhân đầu tiên, được gọi là Performance-Cores (Hiệu suất), dành riêng cho hiệu suất trong các tựa game và ứng dụng đơn luồng sử dụng nhiều tài nguyên. Nhân thứ hai, được gọi là Efficient-Cores (Hiệu quả năng lượng), đặc biệt hiệu quả cho đa nhiệm và xử lý các tác vụ phụ trợ. Cả hai kết hợp sẽ mang lại hiệu suất ngoạn mục và khả năng đáp ứng đáng kinh ngạc cho hệ thống trong nhiều ứng dụng.

Để tận dụng hết hiệu năng của các vi xử lý Intel Gen 12, không thể không kể tới các bo mạch chủ sử dụng chipset Z690. Trong bài viết ngày hôm nay, hãy cùng mình đi sâu vào chi tiết đánh giá hiệu năng sản phẩm ASRock Z690 PG Riptide, từ đó có cái nhìn tổng thể về một dòng sản phẩm bo mạch chủ ở phân khúc chủ đạo trên thị trường.

ASRock Z690 PG Riptide

Riptide là cái tên mà ASRock đặt theo một loại dòng nước cụ thể có sóng mạnh xảy ra trong đại dương. Riptide không rõ ràng, nhưng mạnh, nhanh và mang một cú đấm mạnh mẽ; đây là triết lý thiết kế của dòng bo mạch chủ ASRock PG Riptide. Phân cấp sản phẩm của Riptide cũng rất rõ ràng, nằm trên so với Pro4 và dưới Steel Legend.

ASRock mới giới thiệu dòng Z690 nói chung và model Z690 Riptide nói riêng cách đây không lâu. Sản phẩm Z690 Riptide mà mình cầm trên tay là model đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam cho tới thời điểm viết bài. Về cơ bản, điểm nhấn đáng kể của sản phẩm Z690 Riptide là một số tính năng gaming hỗ trợ cho game thủ tốt hơn như LAN 2,5 Gigabit của Killer E3100 và được trang bị cổng chơi game Lightning. Đồng thời đi kèm với một “giá đỡ cạc đồ họa ASRock” hỗ trợ dựng các VGA có kích thước lớn trong hệ thống PC.

Thiết kế mạch VRM

ASRock Z690 Riptide được thiết kế theo Form Factor ATX, với tông màu đen xám chủ đạo. Tản nhiệt hợp kim nhôm lớn cho VRM và PCH – XXL Aluminum Alloy,có hiệu quả lấy đi sức nóng từ các mosfet và chipset để toàn bộ hệ thống được hoạt động ổn định hơn trong thời gian dài khi hoạt động tối đa sức mạnh.

Mạch VRM được trang bị các heatsink nhôm với nhiều khía đón gió nhằm giải nhiệt tốt nhất

Thiết kế mạch VRM cũng khá tốt ở phân khúc chủ đạo, với thiết kế mạch VRM cấu hình 12+1 phase, sử dụng IC PWM OnSemi NCP81530 (chế độ 6+1) áp dụng tầng công suất song song. PowerStages sử dụng ON Semiconductor NCP302155 55A, nâng tổng số công suất cấp cho CPU vCore và VCCGT theo lý thuyết lần lượt là 660A/55A. Cùng với đó là hai đầu cấp nguồn 8+4 pin EPS, với việc thiết kế mạch VRM này thì Z690 Riptide theo lý thuyết có thể chạy ổn định các vi xử lý Intel Gen 12 với mức TDP cao.  

PowerStages sử dụng ON Semiconductor NCP302155 55A

Khe PCIe Gen 5 áp dụng công nghệ SMT

Có tổng cộng 5 khe cắm PCIe, trong đó khe cắm đầu tiên được trang bị tính năng PCIe Steel Slot là Gen5 x16 kết nối với CPU, các khe còn lại kết nối với chipset và băng thông lần lượt là x1 / x4 / x1 / x1. Với khe cắm PCIe Gen 5 được ASRock thiết kế theo công nghệ SMT (công nghệ gắn kết bề mặt).  So với khe cắm PCIe kiểu DIP thông thường thì khe cắm PCIe SMT cải thiện luồng tín hiệu và tối đa hóa độ ổn định ở tốc độ cao, một bước đột phá quan trọng để hỗ trợ đầy đủ tốc độ 128GBps của tiêu chuẩn PCIe 5.0 mới nhất.

Hỗ trợ cho thiết bị lưu trữ, ASRock trang bị 3 khe M.2 tốc độ cao. Băng thông kết nối ở các khe này như sau:

– 1 x Hyper M.2 Socket (M2_1, Key M), hỗ trợ chế độ loại 2260/2280 PCIe Gen4x4 (64 Gb / s), riêng khe này được trang bị Heatsink giải nhiệt

– 1 x Hyper M.2 Socket ( M2_2, Key M), hỗ trợ chế độ loại 2242/2260/2280 PCIe Gen4x4 (64 Gb / s)

– 1 x Ultra M.2 Socket (M2_3, Key M), hỗ trợ loại 2260/2280/22110 SATA3 6.0 Gb /s & PCIe Gen3x4 (32 Gb / s)

Bên dưới khe M.2 SSD trung tâm là khe M.2 dành cho card Wi-Fi, nơi người dùng có thể lắp card Wi-Fi mua riêng và kéo ăng ten ra chắn I / O.

LED RGB đầy màu sắc

Đèn LED RGB tích hợp của sản phẩm chỉ được trang bị ở thành phần PCH với logo PG Riptide nổi bật khi hoạt động. Ngoài ra, ASRock còn trang bị các đầu cắm RGB thông thường trên bo mạch và một đầu cắm RGB có thể định địa chỉ cho phép kết nối bo mạch chủ với các thiết bị LED tương thích như dải LED, quạt CPU, tản nhiệt… Người dùng cũng có thể đồng bộ hóa các thiết bị LED RGB trên các phụ kiện được chứng nhận Polychrome RGB Sync để tạo hiệu ứng ánh sáng độc đáo của riêng họ.

LED RGB chỉ được thể hiện ở chipset (ảnh Internet)

Lưu ý:

  • Đầu cắm đèn LED RGB định địa chỉ WS2812B (5V / Data / GND), hỗ trợ dải LED với định mức công suất tối đa là 3A (5V), tối đa 80 đèn LED và chiều dài trong vòng 2 mét.
  • Đầu cắm LED RGB hỗ trợ dải LED RGB 5050 tiêu chuẩn (12V / G / R / B), với định mức công suất tối đa là 3A (12V) và chiều dài trong vòng 2 mét.

Hỗ trợ bộ nhớ DDR4 với xung nhịp cao

Z690 PG Riptide là dòng bo mạch chủ tầm trung cho nên sản phẩm chỉ hỗ trợ DDR4 dual channel với dung lượng tối đa 128GB, xung nhịp cũng hỗ trợ rất cao lên tới DDR4 5000+(OC). Các khe này được ASRock mạ vàng 15μ chống nhiễu và oxy hóa. Để giúp quá trình ép xung hay kiểm nghiệm phần cứng được thuận lợi hơn cho các tay chơi, cũng như giúp cho quá trình phục hồi BIOS được nhanh chóng và dễ dàng khi xảy ra lỗi, ASRock trang bị sẵn nút Clear CMOS nằm ở góc trái bo mạch và nút BIOS FlashBack trên I/O Panel.

Trang bị LAN Killer cho trải nghiệm tốt hơn

Điểm đặc biệt hơn cả của ASRock Z690 PG Riptide so với nhiều bo mạch chủ Z690 trong phân khúc, đó chính là hãng đã áp dụng LAN Killer E3100 2,5Gbps, hỗ trợ Killer Prioritization Engine cho phép kết nối mạng đáng tin cậy nhất. Killer Prioritization Engine có thể xác định hàng nghìn tựa game, ứng dụng và trang web để ưu tiên cho các tựa game và nhu cầu kết nối khắt khe nhất trong thời gian thực, mang đến trải nghiệm trực tuyến không bị gián đoạn với thông lượng tốt hơn và độ trễ thấp nhất.

Giá đỡ VGA đi kèm

Các VGA ở hiện tại có hiệu năng cao nhưng đi kèm vào đó là một thiết kế đồ sộ, đặc biệt là với các dòng VGA cao cấp, do đó khi lắp vào các hệ thống máy tính sẽ dẫn tới hiện tượng “sệ”, ảnh hưởng cả về mặt thẩm mỹ. Do đó, ASRock đã trang bị cho các bo mạch chủ PG Riptide thêm một giá đỡ cạc đồ họa, kết nối nó với bo mạch chủ và vỏ case bằng vít. Đồng thời còn có khả năng linh hoạt trượt lên và xuống để điều chỉnh hoàn hảo chiều cao cần thiết cho cạc đồ họa trên hệ thống. Phụ kiện đi kèm là manual và đĩa driver, cùng với 2 cáp SATA , giá đỡ VGA, ốc vít M.2, chắn I/O cùng với một huy hiệu ASRock.

Phần I / O từ bên trái trở sang: nút BIOS FlashBack, HDMI, PS / 2 combo, USB 3.2 Gen1 2x, USB 2.0 2x, USB 3.2 Gen2x2 Type-C, RJ45 2.5 GbE, USB 3.2 Gen1 2x, cụm jack cắm âm thanh 5 lỗ được mạ vàng chống nhiễu, cổng quang SPDIF Out. ASRock cũng cung cấp cổng USB Lightning Gaming nhằm hỗ trợ game thủ kết nối chuột / bàn phím tốc độ cao với độ trễ và rung giật thấp hơn!

Cụm âm thanh sử dụng Realtek ALC897 vốn được sử dụng nhiều ở các bo mạch chủ dòng Z vài năm trước. Tuy nhiên, ASRock cũng cung cấp phần mềm Nahimic Audio để người dùng có thể trải nghiệm được âm thanh sống động và trực quan một cách tốt nhất trong phân khúc.

ALC897

BIOS trực quan và nhiều điểm cải tiến mới

BIOS của Z690 PG Riptide nói riêng và của các sản phẩm ASRock nói chung, ở màn hình truy cập lần đầu sẽ hiển thị một màn hình đồ họa được gọi là Easy Mode, trông rất giản dị và nhẹ nhàng, cung cấp một số thông tin cơ bản và trực quan cho người dùng. Nếu muốn tìm hiểu sâu hơn, lúc này cần bấm phím “F6” để chuyển nhanh sang chế độ Advanced Mode với nhiều lựa chọn cài đặt và tinh chỉnh. Nếu muốn hiển thị chế độ Advanced Mode từ đầu sau lần khởi động tiếp theo, người dùng thể chỉ định chế độ khởi động trong mục “Settings –UEFI Advanced”. 

Màn hình hiển thị ở chế độ Easy Mode
Màn hình hiển thị ở chế độ Advanced Mode
Tab OC Tweker cho phép tinh chỉnh nhiều thứ liên quan tới CPU, RAM và các thành phần khác
Tùy chỉnh giá trị độ trễ (Cas) của RAM

Thermal Velocity Boost là một tính năng rất hấp dẫn trên CPU Intel thế hệ thứ 11, được Intel mô tả rằng “chức năng để tăng xung nhịp ở ngưỡng nhiệt độ 70 độ hoặc thấp hơn” đã bị vô hiệu hóa trên CPU Intel thế hệ thứ 12. Tuy nhiên, bản thân chức năng này vẫn nằm trong cài đặt BIOS của bo mạch chủ. Ngoài ra, chúng ta sẽ không thấy mục cho phép tắt bật AVX-512 vì Intel Gen 12 không hỗ trợ.

Tùy chỉnh giá trị voltage của các thành phần như CPU, RAM…

ASRock ở mùa Z690 này đã “học” theo MSI khi trang bị tính năng điều chỉnh giá trị PL/TDP theo từng loại tản được sử dụng trong BIOS, điều này sẽ giúp người dùng có thể đạt được mức hiệu năng tốt nhất khi sử dụng từng loại tản nhiệt tương ứng. Trong hình là BIOS của bo mạch chủ Z690 Riptide, với 4 tùy chọn loại tản nhiệt sử dụng. Giá trị PL/TDP tương ứng khi tùy chọn như sau:

  • Air Cooling: PL1=125W
  • AIO loại 120-140mm: PL1=180W
  • AIO loại 240-280mm: PL1=241W
  • AIO loại 360-420mm: PL1=265W

Ngoài việc cho phép lựa chọn từng mục theo tản nhiệt sử dụng, ASRock cũng áp dụng công nghệ Base Frequency Boost với mức cao nhất là 280W (dựa trên Z690 Riptide), đồng thời vẫn cho phép người dùng tùy chỉnh các giá trị PL1/PL2 lên tới mức vô hạn. Theo đánh giá của cá nhân mình, việc áp dụng Air Cooling ở giá trị PL1 là 125W thì có vẻ như ASRock đã quá cầu toàn, vì rất nhiều tản nhiệt loại này có thể cân tới 230W khi load AVX. Hoặc đặt giá trị cho AIO 120mm-140mm là 180W cũng có vẻ chưa chuẩn cho lắm khi mà nhiều loại tản nhiệt AIO ở khúc này vẫn chỉ load tốt nhất ở 125W hoặc 150W.

Load Line Calibration là tính năng tự động ổn định điện áp, giảm thiểu Vdroop cho CPU – hiểu nôm na là sẽ giúp giảm sự chênh lệch điện thế tiêu thụ bất ngờ khi thay đổi chế độ của CPU ở idle và full load. Đây là tính năng được trang bị trên các Mainboard từ rất lâu, và trên Z690 PG Riptide thì ASRock có sẵn 5 mức (Level) tùy chọn LLC để ổn định điện áp, mức 1 là mức ổn định cao nhất và mức 5 là mức thấp nhất.

Hệ thống thử nghiệm

  • Vi xử lý Intel Core i9 12900K
  • Bo mạch chủ ASRock Z690 Riptide
  • Bộ nhớ Kingston Renegade 4600MHz 2x8GB
  • SSD ADATA SX6000NP 256GB
  • Tản nhiệt Noctua D15 Chromax.Black 2 quạt + kem tản nhiệt Cooler Master Geil Pro
  • PSU 650W Platinum
  • Window 10 Pro 21H1 cùng một số phần mềm như CPU-Z, Cinbench R23, HWMonitor, Blender, Final Fantasy XV, Super PI
  • Nhiệt độ phòng 25 độ C, hệ thống được đặt trên Benchtable.

Kết quả thử nghiệm

Điểm khác biệt của Intel Gen 12 so với Gen 11 và thế hệ trước nữa đó là khái niệm TDP được hãng rời bỏ mà sẽ gán trực tiếp giá trị PL1 (TDP hay Base Power) và PL2 (Max Turbo Power) và gọi nó là MTP-Maximum Turbo Power (Công suất turbo tối đa của CPU). Như đã nói ở trên, Gen 12 Intel gán cho rất nhiều vi xử lý, bao gồm các vi xử lý dòng K/F ở hiện tại là giá trị PL1 = PL2 theo mặc định. Tức là khác so với Z590, Z490… khi ở những dòng này PL1 = TDP công bố và PL2 áp dụng theo công thức PL2 = PL1*1,25 hoặc nằm trong khoảng ngưỡng từ 200-250W. Tức là Intel đã bật mức Turbo gần như chạm tới ngưỡng tối đa theo mặc định, mức mà hiệu năng hoàn toàn tốt nhất. Đối với 12900K, PL1 = PL2 = 241W. Đối với 12700K, con số tương tự với các giá trị trên là 190W. Nếu giới hạn công suất PL/PL2 bị vô hiệu hóa trong BIOS của bo mạch chủ, CPU Pakage khi load nặng có thể cao hơn mức PL mặc định tùy thuộc vào mức độ AVX2 được sử dụng, chẳng hạn 12900K có thể load từ 220 đến 300W.

Theo mặc định, giá trị PL được ASRock áp dụng trong BIOS là tuân theo PL1=PL2=241W. Ở mức PL này, ASRock Z690 PG Riptide hoàn thành tốt các bài test Blender, Cinebench R23 và cho kết quả tương đồng với nhiều bo mạch chủ cao cấp khác. Trong thực tế, các phần mềm như Blender và R23 khi fullload CPU Intel Core i9 12900K xung nhịp mặc định 4,9GHz tiêu tốn mức CPU Package khoảng ~ 200W, vì vậy ASRock Z690 PG Riptide hoàn toàn có thể chạy tốt các ứng dụng thực tế kể trên trong thời gian dài.

Còn đối với Gaming, các tựa game Offline nặng hoặc phổ biến như Cyberpunk hay Final Fantasy XV trong thực tế hoạt động tải nặng cũng chỉ load khoảng 100w, ở mức này thì quá nhẹ nhàng và dễ thở cho một bo mạch chủ như ASRock Z690 PG Riptide. Như ảnh minh họa bài viết các bạn đã thấy, Final Fantasy XV khi load chỉ tải khoảng 84W khi sử dụng với Intel Core i9 12900K.

Với ASRock Z690 PG Riptide, chúng ta có thể ép xung bộ nhớ bằng cấu hình XMP được áp sẵn từ NSX bộ nhớ bằng cách chọn chế độ XMP Profile trong cài đặt BIOS.  Từ Chế độ XMP, người dùng cũng thể chọn áp dụng tất cả Timing phụ được ghi trong cấu hình XMP hoặc chỉ Timing chính như Độ trễ CAS. Khi giá trị cài đặt XMP Profile trong BIOS được đặt thành Auto, lúc này xung nhịp của bộ nhớ sẽ tự động nhận diện theo chuẩn JEDEC. JEDEC hiện tại cao nhất của DDR4 là đến 3200MHz và 4800MHz đối với DDR5. Theo đó, ASRock Z690 PG Riptide dễ dàng nhận diện mức xung nhịp 4600MHz của kit RAM Kingston Renegade trong bài viết.

Kiểm tra khả năng ép xung RAM

Về khả năng ép xung RAM, như trên đã nói, ASRock quảng cáo rằng Z690 PG Riptide có thể hỗ trợ mức RAM tối đa lên tới 5000MHz+ (OC). Do đó, để kiểm chứng điều này, mình đã thử ép xung nhanh cặp RAM Renegade trong bài viết, kết quả đúng như lời đồn, bo mạch chủ có thể khiển tốt mức xung RAM trên 5000MHz khi chỉ cần thay đổi nhỏ một chút về Timing chính và thêm một ít điện năng cho RAM/IMC CPU mà không cần phải điều chỉnh Sub Timing.

Kiểm tra mức độ hoạt động hiệu quả của VRM

Về hiệu quả hoạt động của mạch VRM trong thực tế, mình đã sử dụng phần mềm Cinebench R23 và thực hiện chế độ Stress Test trong 30P. Sau đó sử dụng máy đo nhiệt FLIR Pro để đo điểm nóng nhất trên VRM của bo mạch chủ, nhằm tìm ra được ngưỡng load PL tối đa mà bo mạch chủ có thể chịu đựng được mà không bị sụt giảm hiệu năng do nóng gây ra. Kết quả rất tốt, khi điểm nóng nhất trên bo mạch chủ ở khu vực ít gió nhất chỉ khoảng ~74 độ, các phần khác rất mát. Tuy nhiên, cần lưu ý là do điều kiện thử nghiệm của mình là ở trên Benchtable và nhiệt độ phòng ~25 độ, cũng như tản nhiệt là Noctua D15 Chromax 2 quạt, nên khu vực VRM ít nhiều cũng được thừa hưởng luồng gió làm mát. Nếu đóng vào case và sử dụng tản AIO cần chú ý đối lưu luồng không khí sao cho tốt nhất để tránh quá nóng mạch VRM gây ảnh hưởng hiệu năng.

Kiểm tra hiệu suất giải nhiệt của Heatsink M.2

Như đã nói ở trên, Z690 PG Riptide có khe M.2 đầu tiên được trang bị Heatsink giải nhiệt bằng nhôm để loại bỏ việc điều chỉnh nhiệt của SSD NVMe M.2 tốc độ cao. Trên thực tế, không phải lúc nào khe M.2 với Heatsink đi kèm trên bo mạch chủ cũng có hiệu quả giải nhiệt tốt vì nó còn phụ thuộc vào khả năng thiết kế giải nhiệt lẫn mức tương thích với các SSD M.2 NVMe. Vì vậy, lần này, tôi quyết định đặt dùng phần mềm CrystalDiskMark và benchmark 2 lần liên tiếp để kiểm tra nhiệt độ và tốc độ truyền dữ liệu của SSD. Nếu benchmark quá dài hoặc sử dụng SSD Fulload quá lâu trong thực tế, sẽ dẫn tới nóng quá mức, lúc này chức năng điều chỉnh nhiệt có trên SSD sẽ kích hoạt để ngăn nhiệt độ tăng quá cao. Khi tính năng điều chỉnh nhiệt độ được kích hoạt, mặc định hiệu năng của SSD sẽ sụt giảm rất nhiều.  

Kết quả khi không có tản nhiệt, nhiệt độ của SSD ADATA SX6000NP tăng lên 64 ° C khi benchmark ở lần thứ 2. Còn khi có tản nhiệt, nhiệt độ đã giảm đi khoảng 20 độ, hiệu năng của SSD lúc này được đảm bảo tốt nhất.

Polychrome Sync phụ trách kiểm soát LED RGB tích hợp trên chipset, của bộ nhớ và các thành phần tương thích khác được kết nối với bo mạch chủ. Nhìn chung, với kit RAM Renegade có trong bài viết, Z690 PG Riptide có thể đồng bộ và điều khiển một cách dễ dàng.


Kết luận

Ưu điểm:
Nhìn chung, Z690 PG Riptide của ASRock mang tới cho người dùng đặc biệt là các game thủ sự lựa chọn hấp dẫn với mức giá phù hợp. Với một số chức năng độc đáo như như Killer E3100 2.5 Gigabit LAN và Cổng chơi game Lightning cùng thiết kế mạch VRM ổn định, khả năng chạy tốt các bộ nhớ RAM ở mức 5K sẽ giúp cho các game thủ đắm chìm trong không gian gaming hay làm việc ưu tiên hiệu năng một cách tốt nhất.

  • Trang bị tính năng USB FlashBack và nút Clear CMOS tiện dụng
  • Trang bị khe cắm PCIe 5.0 x16
  • Cung cấp cổng USB Lightning Gaming
  • Trang bị LAN Killer E3100 2,5Gbps

Nhược điểm:

  • Cụm âm thanh sử dụng codec AL897 cũ
  • VRM thiết kế chỉ tập trung cho việc chạy i9 12900K ở giá trị PL 241W đổ về, không thiết kế dành cho OC.

tienpc
tienpchttps://tienpc.net
Đơn giản thôi, là ông bố của hai cô con gái xinh xắn và đáng yêu :*
RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments