Thứ Ba, Tháng Năm 21, 2024
No menu items!
HomeThủ Thuật, Hướng DẫnASRock B550 Taichi vs X570 Taichi: Bo mạch chủ nào tốt hơn?

ASRock B550 Taichi vs X570 Taichi: Bo mạch chủ nào tốt hơn?

Cách mà AMD gây tranh cãi đó chính là việc đặt tên chipset cùng với công nghệ đi kèm, sự khác biệt rõ ràng của B550 so với X570 chủ yếu nằm ở việc hỗ trợ các lane PCI-E 4.0 cho chipset. Giả sử người dùng đang dùng một bo mạch chủ X570 đi kèm với một trong những vi  xử lý AMD Ryzen 3000 Series, sẽ có 16 lane PCI-E 4.0 được chia cho card đồ họa, 4 lane được chia cho các thiết bị lưu trữ và 4 lane sẽ được kết nối với chipset AMD X570. Tổng số lane PCI-E 4.0 có được là 24, một con số để các tín đồ số học có thể thích thú phang một con lô hay con đề.

Nhưng nếu đặt vi xử lý AMD Ryzen 3000 Series vào bo mạch chủ B550, chúng ta vẫn có sẽ có 16 lane PCI-E 4.0 được chia cho card đồ họa, 4 lane được chia cho các thiết bị lưu trữ nhưng 4 lane PCI-E 4.0 kia sẽ biến mất mà thay vào đó là PCI-E 3.0 cũ hơn. Nếu cắm một thiết bị lưu trữ ăn băng thông PCI-E 4.0 thông qua lane PCI-E 3.0 này, đương nhiên hiệu năng sẽ sụt giảm so với mức lý thuyết đưa ra, đây lại trở thành một vấn đề “nho nhỏ” đối với nhiều người.

Rõ ràng, chipset B550 cũng khá là cao cấp vì nó mang rất nhiều tính năng tương đồng với X570. Nhưng cách đặt tên chipset là B, có thể hiểu là Balance (cân bằng) hoặc Basic (đơn giản) đã biến các bo mạch chủ sử dụng chipset này trở nên “rẻ tiền” hơn, dù mang trong mình rất rất nhiều tính năng cao cấp, thậm chí tốt hơn cả X570.
Trong bài viết ngày hôm nay, chúng ta sẽ cùng đi vào phân tích chi tiết điểm khác biệt của X570 Taichi và B550 Taichi, để biết được sản phẩm nào tốt hơn sản phẩm nào hoặc cái nào đáng chọn hơn? Về Taichi, khỏi phải nói nhiều, một thương hiệu sản phẩm mà ASRock đã dày công xây dựng hơn 4 năm nay và tạo được tiếng vang rất lớn trong làng công nghệ. Về mặt phân khúc sản phẩm, hiện giờ Taichi xếp sau dòng Phantom Gaming X và Aqua , nhưng vẫn mang trong mình sự thiết kế cách tân và chất lượng tuyệt đỉnh.

Trước tiên, để phân tích được sự khác biệt của các bo mạch chủ, chúng ta cần đi sâu vào các ý chính, bao gồm:

  • Thiết kế của mạch VRM.
  • Khả năng hỗ trợ cho các thiết bị lưu trữ (SATA, NVMe, USB…)
  • Khả năng hỗ trợ xung nhịp và dung lượng tối đa của bộ nhớ
  • Âm thanh và kết nối mạng
  • Tính thẩm mỹ và tiện lợi

I. X570 Taichi vs B550 Taichi : Mạch VRM của bo mạch nào tốt hơn?

Bo mạch chủ muốn hoạt động tốt với các CPU có TDP cao, nhiều nhân, xung cao, đương nhiên phải có một mạch VRM xịn sò. Tuy nhiên, cách thiết kế VRM khác nhau sẽ dẫn tới hiệu quả khác nhau. Khi so sánh VRM của X570 Taichi so với B550 Taichi bằng việc mổ mạch VRM ra phân tích, người viết nhận thấy B550 Taichi có phần nhỉnh hơn X570 Taichi.

X570 Taichi theo quảng cáo từ ASRock thì được thiết kế mạch VRM với 12+2 phase điện. Tuy nhiên, phân tích sâu thêm một chút về mạch VRM, ASRock sử dụng  IC điều khiển Digital PWM ISL69147với cấu hình 6D+1. Trong đó các phase cho CPU vCore và SOC đều được trang bị PowerStages Vishay SiC634 50A. Nhờ thiết kế theo dạng doubler với IC điều khiển phase channel ISL6917A, nâng tổng số dòng DC cấp cho mạch là 600A vCore và 100A SOC.
Trong khi đó, B550 Taichi lại được ASRock quảng cáo với thiết kế mạch VRM 14+2. Đi sâu vào chi tiết, ASRock sử dụng IC điều khiển Digital Renesas RAA229004 với cấu hình 7D+2, các phase cho CPU vCore và SOC vẫn sử dụng PowerStages Vishay SiC634 50A, nâng tổng số dòng DC cấp cho mạch là 700A CPU vCore và 100A SOC. Cả hai bo mạch chủ đều được trang bị cuộn cảm Premium 60A và tụ điện cao cấp Nichicon 12K.

Đặc điểm chung cần nhấn mạnh ở cả hai bo mạch chủ X570 Taichi và B550 Taichi là được hãng ưu ái thiết kế giải pháp tản nhiệt VRM lẫn PCH một cách tốt nhất. Trong đó cụm hợp kim nhôm cho VRM được thiết kế với nhiều khía đón gió và kết nối giữa cụm heatsink là một heatpipe. Điều này đảm bảo rằng nhiệt trong quá trình hoạt động sẽ tiêu tán một cách tốt nhất, ngay cả khi chạy với CPU có TDP cao hoặc khi ép xung, đảm bảo sự ổn định của hệ thống lâu dài. Tuy nhiên, có một số thay đổi nhỏ dù cụm heatsink cho VRM là khá tương đồng nhau. Nhưng X570 Taichi do sử dụng chipset X570 nên phần PCH được trang bị thêm một quạt xịn sò, cung cấp luồng không khí 4,92 CFM và được đánh giá là có tuổi thọ 50.000 giờ nhờ vào thiết kế vòng bi EBR.

Nhìn chung, B550 Taichi ở phần mạch VRM xịn sò hơn so với X570 Taichi. Nhưng trong thực tế sẽ rất khó nhận ra sự khác biệt giữa hai bo mạch chủ nếu không có các thiết bị đo nhiệt chuyên dụng.  

Kẻ chiến thắng: B550 Taichi

II. X570 Taichi vs B550 Taichi: Khả năng hỗ trợ xung nhịp và dung lượng tối đa của bộ nhớ giữa hai bo mạch chủ?

Như đã nói ở đầu bài viết, sự khác biệt giữa B550 và X570 chủ yếu nằm ở lane PCIe Gen4. Vì vậy, khả năng hỗ trợ dung lượng tối đa cho bộ nhớ của hai bo mạch chủ X570 Taichi và B550 Taichi đều tương đồng nhau, lên tới 128GB DDR4.  Nhưng B550 Taichi một lần nữa lại chiếm lĩnh ngôi đầu khi  hỗ trợ xung nhịp lên đến 5.000 MHz (OC) cho dòng vi xử lý Matisse và lên đến 5.200 MHz (OC) cho các APU Ryzen thế hệ thứ 4. Trong khi đó, X570 Taichi có thể hỗ trợ tối đa 4,666 MHz (OC) cho vi xử lý Ryzen Matisse, 3,600 MHz (OC) cho Ryzen Pinnacle Ridge và 3,466 MHz (OC) cho dòng Ryzen Picasso. Cả hai bo mạch chủ đều hỗ trợ XMP Profile và các slot cắm RAM đều được mạ vàng 15μ chống nhiễu và oxy hóa.

Kẻ chiến thắng: B550 Taichi

III. X570 Taichi vs B550 Taichi: Khả năng hỗ trợ đồ họa?

X570 Taichi do sử dụng chipset X570 nên các khe PCIe x16 đều hỗ trợ PCIe 4.0, trong khi B550 Taichi có hai khe PCIe x16 hỗ trợ PCIe 4.0 và một khe là PCIe 3.0. Tuy nhiên, cmột đặc điểm cần chú ý, nếu sử dụng khe PCIe  thứ năm ở trên B550 Taichi thì băng thông sẽ bị tụt giảm từ x4 xuống x2 nếu khe PCIe thứ hai hoặc thứ tư được sử dụng.h

Ngoài ra, ưu điểm lớn nhất của X570 Taichi đó chính là hỗ trợ 2 Way SLI, trong khi B550 Taichi không hỗ trợ. . Điều này có nghĩa là người dùng có thể sử dụng NVLink hoặc Quad SLI của Nvidia với X570 Taichi còn B550 Taichi thì “Say No”.

Kẻ chiến thắng: X570 Taichi

IV. X570 Taichi vs B550 Taichi: Khả năng hỗ trợ thiết bị lưu trữ?

X570 Taichi và B550 Taichi đều được thiết kế hỗ trợ tới 8 cổng SATA 3. Nhưng X570 Taichi lại hỗ trợ lên tới 3 khe cắm M.2, trong khi B550 Taichi lại chỉ có 2 khe M.2. Các khe M.2 này đều được hãng trang bị các heatsink bằng nhôm giúp giải nhiệt tốt nhất khi hoạt động.



Ba khe M.2 của X570 đều hỗ trợ PCIe 4.0 và có hai khe 1 và 3hỗ trợ SATA 3. Trong khi đó với B550 Taichi, chỉ có một khe M.2 hỗ trợ PCIe 4.0, trong khi khe cắm còn lại là PCIe 3.0 và có thể hỗ trợ SATA III. Cần lưu ý rằng nếu khe cắm M.2 thứ ba của X570 Taichi được sử dụng sẽ vô hiệu hóa khe cắm PCIe thứ năm.

Người chiến thắng: X570 Taichi.

V. X570 Taichi vs B550 Taichi: Khả năng hỗ trợ âm thanh, LED RGB và kết nối mạng?

Khu vực âm thanh của cả X570 Taichi và B550 Taichi đều giống nhau, được trang bị 5 con tụ hóa cao cấp của Nichicon, cung cấp âm thanh ấm tự nhiên với âm độ rõ ràng hơn. Mạch lọc nhiễu cũng được trang bị nhằm phân tách rõ ràng tín hiệu analog / digital giúp giảm thiểu nhiễu từ nhiều phía. Chip xử lý âm thanh mới nhất Realtek ALC1220, một mạch điện tử có chức năng khuyếch đại tín hiệu OP-AMP Texas Instruments TI NE5532, hỗ trợ tai nghe có trở kháng lên tới 600 Ohms. Đồng thời, các jack cắm 3.5mm cũng được mạ vàng 15μ chống nhiễu và oxy hóa, đem lại chất âm tốt nhất.

Sử dụng một bộ máy tính với nhiều hiệu ứng ánh sáng LED là một xu thế của người dùng, điều này trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Để bắt kịp xu thế cũng như đi trước dẫn đầu, ASRock cũng đã trang bị các bo mạch chủ của họ các tính năng LED mới nhất. Với thế hệ LED mới này cho phép người dùng dễ dàng tạo ra các hiệu ứng ánh sáng cá nhân độc đáo của riêng họ. Cả hai bo mạch chủ đều được trang bị LED RGB trên bo mạch lẫn tích hợp thêm các header ARGB và RGB.

Vế kết nối mạng, cả hai bo mạch chủ Taichi đều tương thích với Wi-Fi 802.11ax, sử dụng module mạng không dây Intel Wi-Fi 6 AX200 cho tốc độ tối đa lên đến 2,4 GB / s. Tuy nhiên, cổng LAN trên B550 Taichi tốt hơn so với X570 Taichi khi sử dụng bộ điều khiển Intel I225-V có tốc độ 2,5 GB / s, trong khi X570 có bộ điều khiển Intel I211-AT 1 GB / s.

Về kết nối, B550 Taichi có thêm một đầu nối DisplayPort cho APU, ngoài cổng HDMI mà cả hai bo mạch chủ đều có. B550 có hai cổng USB 2.0 – ngoài hai cổng USB 3.2 Gen2 (Type-A và Type-C) và bốn cổng USB 3.2 Gen1 – trong khi X570 chuyển đổi hai cổng USB 2.0 đó thành hai cổng USB 3.2 Gen1, nâng tổng cộng sáu cổng USB 3.2 Gen1 và hai cổng USB 3.2 Gen2. B550 có thêm một đầu cắm USB 3.0 (tổng số 2) và một header bơm quạt 4 chân bổ sung (tổng cộng 7 đầu) khi so sánh với X570 (1 đầu cắm USB 3.0, 6 header quạt 4 chân).

Kẻ chiến thắng: B550 Taichi.


Tổng kết

Với kết quả “huề cả làng” sau bài phân tích này, thật khó có thể nói bo mạch chủ nào tốt hơn bo mạch chủ nào nếu như không đi sâu vào cụ thể sử dụng của từng người. Nếu các bạn thích ép xung, muốn tối ưu hóa hiệu năng sử dụng khi chạy với các vi xử lý có nhiều nhân và TDP cao, cùng với kết nối mạng thừa thãi, hãy lựa chọn B550 Taichi. Còn ngược lại, các bạn muốn tối đa hóa hiệu năng sử dụng đồ họa và thiết bị lưu trữ, chẳng hạn như cắm 2 VGA RTX 2080Ti để chạy NVLink, hoặc cắm 3 thiết bị M.2 PCIe 4.0, hãy lựa chọn X570 Taichi.

ASRock X570 Taichi và ASRock B550 Taichi hiện có giá cả gần như tương đồng nhau. Vì vậy, để lựa chọn được một bo mạch chủ phù hợp, nó tùy thuộc vào nhu cầu lẫn sở thích của các bạn. Nếu cảm thấy B550 nó hơi “rẻ tiền” hãy chọn X570 Taichi hoặc muốn mới mẻ hơn thì chọn ngược lại.
Và điều chắc chắn là cả hai bo mạch chủ này đều mang lại giá trị tuyệt vời khi sử dụng với các vi xử lý AMD Ryzen AM4 mới nhất.

tienpc
tienpchttps://tienpc.net
Đơn giản thôi, là ông bố của hai cô con gái xinh xắn và đáng yêu :*
RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments